Pháp ngừng hoàn toàn hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi

Mới đây, chính phủ Pháp tuyên bố ngừng tất cả hoạt động thăm dò dầu khí trên biển, đồng thời từ chối gia hạn cấp giấp phép tìm kiếm dầu khí ngoài quần đảo Eparses, một quần đảo của Pháp nằm trong kênh Mozambique.

Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái và Đoàn kết Elisabeth Borne và Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire cho biết chính phủ Pháp đã từ chối gia hạn cấp phép thăm dò cho dự án “Juan de Nova Maritime Profond”, ngoài khơi quần đảo Scatter. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không còn bất kỳ hoạt động thăm dò nào ngoài khơi nước Pháp.

Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Pháp từ chối gia hạn cấp phép thăm dò cho dự án “Guyane Maritime”, ngoài khơi Guyane của Pháp.

Vào năm 2017, Chính phủ Pháp đã thông qua một đạo luật cấm ban hành bất kỳ giấy phép thăm dò hydrocarbon mới nào tại Pháp. Nhưng văn bản này không có tác dụng hồi tố nên không được áp dụng cho những đơn xin phép đã nộp và đang được xem xét.

Ngoài việc không cấp phép mới, văn bản luật năm 2017 còn đề cập đến việc chấm dứt dần hoạt động khai thác hydrocarbon vào năm 2040 với mục đích chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Pháp. Sau năm 2040, mọi giấy phép khai thác sẽ không được gia hạn.

Theo Bộ trưởng Borne, 64 mỏ dầu khí hiện đang hoạt động tại Pháp chủ yếu ở lưu vực Aquitaine và lưu vực Paris với tổng diện tích 4.000 km2, đáp ứng 1% sản lượng tiêu thụ dầu của Pháp.

Ngày 20/2, Hiệp hội Bảo vệ con người và môi trường Amis de la Terre nhấn mạnh rằng, các công ty khai thác dầu khí của Pháp vẫn đang được chính quyền hỗ trợ thông qua việc cấp vốn xuất khẩu.

Quản lý chiến dịch khí hậu của Hiệp hội Amis de la Terre, Cécile Marchand cho biết: “Một lần nữa chúng tôi chứng kiến hành động tráo trở của chính phủ. Hôm nay, họ tuyên bố từ chối cấp giấy phép nghiên cứu ngoài khơi quần đảo Eparses, nhưng ngày mai, họ lại cử bộ trưởng ngoại giao tới Mozambique để bảo vệ quyền lợi của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch”.

Quần đảo Eparses gồm các đảo nhỏ nằm rải rác giữa Madagascar và Mozambique. Quần đảo này được cho là rất giàu hydrocarbon. Nó có diện tích đất liền khoảng 7 km2 và là chủ đề tranh chấp lãnh thổ giữa Pháp và Cộng hòa Madagascar.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phap-ngung-hoan-toan-hoat-dong-tham-do-dau-khi-ngoai-khoi-564979.html