Pháp nổi xung vì Mỹ dùng nhiều chiêu 'bẩn'

Sử dụng những công cụ pháp lý và nhân danh quyền lợi kinh tế, an ninh quốc gia... Mỹ do thám, bắt chẹt và triệt hạ các đối thủ nước ngoài.

Đồng minh không đáng tin

Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump tiếp tục đặt “nước Mỹ trước tiên” và căng thẳng Pháp-Mỹ chưa có dấu hiệu lắng dịu, người Pháp ngày càng tỏ ra hoài nghi đối với đồng minh truyền thống bên kia bờ Đại Tây Dương.

Báo chí Pháp mới đây tiết lộ nhiều doanh nghiệp Pháp đi tiên trong trong các lĩnh vực công nghệ cao và hiện diện trong nhiều lĩnh vực chiến lược đã bị tình báo Mỹ theo dõi. Người Pháp cáo buộc đánh cắp thông tin là một trong những công cụ trong tay Washington để triệt hạ những tập đoàn có thể đe dọa các công ty Mỹ.

Tháng 4/2018, Cơ quan phản gián Pháp (DGSI) đã gửi lên chính phủ bản báo cáo 6 trang, báo động về những công cụ và phương pháp cho phép Washington “can thiệp vào hoạt động kinh tế” của các nước khác. Báo Le Figaro đã công khai chi tiết bản báo cáo này.

Tổng thống Pháp E. Macron (trái) và Tổng thống Mỹ D. Trump trong lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I tại Paris

Trả lời báo Le Figaro, một quan chức cao cấp thuộc Bộ Nội vụ Pháp giấu tên nhận định: “Mỹ hợp tác rất chặt chẽ với Pháp và những nước đồng minh trong các lĩnh vực chống khủng bố Hồi giáo, chống các hoạt động gián điệp của Trung Quốc hay Nga.

Nhưng đừng quên rằng 60% nhiệm vụ của các cơ quan tình báo Mỹ là tập trung vào những thông tin mang tính chiến lược. Một trong những mục tiêu mà Mỹ nhắm tới là chặt ra thành từng mảnh những con chim đầu đàn của nền công nghiệp Pháp”.

Để đạt được mục tiêu đó Washington có ít nhất là ba loại công cụ lợi hại: Một là công cụ pháp lý để kiện và trừng phạt những tập đoàn cạnh tranh trực tiếp với các hãng của Mỹ. Hai là sức mạnh của USD để mua lại những công ty nằm trong tầm ngắm của Mỹ và ba là tình báo công nghiệp.

Báo cáo của DGSI tập trung vào các hoạt động do thám của phía Mỹ nhắm vào các tập đoàn Pháp trong những lĩnh vực được cho là “có triển vọng trong tương lai, hay những ngành nghề mang tính chiến lược”. Đứng đầu trong số đó là “công nghệ hàng không, y tế và các hoạt động trong ngành nghiên cứu”.

Cơ quan chức năng Pháp cho biết mục tiêu của Mỹ rất rõ ràng: Bảo vệ quyền lợi và thế thượng phong của các tập đoàn Mỹ. Mỹ huy động từ các cơ quan nhà nước đến những văn phòng luật sư, từ những tổ hợp tư vấn cho đến các doanh nghiệp hay quỹ đầu tư tư nhân mà không quên đội ngũ những chuyên gia tin học trong bóng tối.

Binh sĩ Pháp tuần tra gần tháp Eiffen

Cũng nhân đây, báo chí Pháp lật lại việc cựu Tổng thống Barack Obama cho phép nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel, qua đó cho rằng việc Mỹ dùng đủ mọi phương tiện để theo dõi cả những nước bạn lẫn thù không phải là điều mới lạ.

Không những vậy, những hoạt động theo dõi lẫn nhau giữa hai bờ Đại Tây Dương không chỉ có một chiều.

Các chiêu trò của người Mỹ

Báo chí Pháp dẫn lời ông Olivier Marleix, nghị sỹ Quốc hội đảng LR cánh hữu, cựu Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Công nghiệp Pháp tại Hạ viện nhận xét:

“Vấn đề được công khai hóa vào thời điểm này, nhưng từ trước tới nay ai cũng biết là tất cả những tập đoàn lớn của Pháp đều bị theo dõi và đặc biệt là những công ty trong các lĩnh vực chiến lược. Những lĩnh vực chiến lược đó gồm: năng lượng, giao thông, y tế và viễn thông. Ngoài ra những ngành mà Pháp cạnh tranh trực tiếp với Mỹ cũng đều là mục tiêu tấn công”.

Ví dụ điển hình là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu. Báo cáo của cơ quan phản gián Pháp DGSI cho biết: Airbus đang trong tầm ngắm của Mỹ và đang bị dọa phải nộp phạt một khoản tiền khổng lồ vì lý do “tham nhũng”, cạnh tranh bất bình đẳng, gây thiệt hại cho Boeing.

Trên cơ sở này, hãng sản xuất máy bay của châu Âu phải mở cửa cho một loạt các luật sư của Mỹ, đại diện cả cho chính quyền lẫn của hãng máy bay Boeing vào điều tra.

Chuyên gia người Pháp Patrick Cansell nói: “Từ lâu Mỹ đã có cả một loạt công cụ pháp lý và những công cụ đó luôn bám sát trong tất cả các lĩnh vực kinh tế mà có thể đe dọa đến quyền lợi kinh tế của Mỹ.

Khái niệm quyền lợi kinh tế của Mỹ được định nghĩa một cách rất rộng, bao hàm từ mảng công nghệ cao, kỹ thuật đến chủ quyền quốc gia”.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phap-noi-xung-vi-my-dung-nhieu-chieu-ban-3370105/