Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26

Giám đốc điều hành toàn cầu của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Philippe Orliange vừa có chuyến thăm, làm việc ở Việt Nam nhằm trao đổi với các bên liên quan của Việt Nam về các hỗ trợ của Pháp đối với những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đồng thời xác định các ưu tiên hoạt động, hỗ trợ trong tương lai của AFD.

Chiều 12/5/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tiếp ông Philippe Orliange, Giám đốc điều hành toàn cầu của cơ quan phát triển Pháp (AFD) và ông Marc Vanheukelen, Đại sứ đặc trách của Liên minh châu Âu về Ngoại giao khí hậu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Chiều 12/5/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tiếp ông Philippe Orliange, Giám đốc điều hành toàn cầu của cơ quan phát triển Pháp (AFD) và ông Marc Vanheukelen, Đại sứ đặc trách của Liên minh châu Âu về Ngoại giao khí hậu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nhân dịp này, ông Philippe Orliange đã có những chia sẻ với báo chí về những nội dung liên quan.

Xin ông có thể đánh giá vài nét về những kết quả đạt được trong gần ba thập kỷ hợp tác giữa AFD với Việt Nam, cũng như trọng tâm hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới?

Đầu tiên, cho phép tôi được trả lời ý thứ hai trước, liên quan đến những ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong giai đoạn tới. Những ưu tiên hợp tác của AFD tại Việt Nam trong thời gian tới hoàn toàn phù hợp với những cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow vào tháng 11/2021, gồm những mục tiêu tổng quát và quan trọng nhất là trung hòa carbon vào năm 2050, xác định ngành điện Việt Nam hoàn toàn không sử dụng điện than vào năm 2040. Đây là những cam kết rất mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam.

Những cam kết này cũng rất phù hợp với những ưu tiên, cũng như tôn chỉ hoạt động của Cơ quan phát triển Pháp tại những quốc gia như Việt Nam, đó là cố gắng hỗ trợ các quốc gia chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu. Đó là những trọng tâm trong chiến lược hợp tác của chúng tôi với Việt Nam.

Chiến lược đó được thể hiện cụ thể qua các hành động sau. Thứ nhất, phát triển đối thoại sâu hơn với các cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam về các chính sách liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu, hay còn gọi là đối thoại về chính sách công. Bản chất của đối thoại chính sách công là chia sẻ những phân tích và dự báo để trên cơ sở đó thống nhất các giải pháp với Chính phủ Việt Nam.

Ví dụ rất cụ thể, đó là AFD đã hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai, hình thành mô hình dự báo về thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với nền kinh tế Việt Nam, mô hình có tên gọi GEMMES Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tại cuộc gặp với Trưởng ban Kinh tế Trung ương, tôi đã giới thiệu về dự án này. Biến đổi khí hậu sẽ có những tác động rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, và điều rất quan trọng là các nhà lãnh đạo, các cấp ra quyết sách ở Việt Nam cần phải được dự báo trước những tác động này để có những chính sách phù hợp. Đó là ưu tiên hợp tác đầu tiên trong chuỗi các hoạt động hợp tác những năm tới.

Triển vọng hợp tác thứ hai đó là sự hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). EVN đã có mối quan hệ hợp tác với chúng tôi trong nhiều năm nay và chúng tôi đã tài trợ cho rất nhiều dự án điện để đóng góp vào việc mở rộng hệ thống lưới điện, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng ở Việt Nam.

Mục tiêu đề ra ở đây là hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sử dụng năng lượng, làm sao vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng của người dân, nền kinh tế nhưng đồng thời cũng phải đáp ứng được những nhu cầu đó thông qua việc tận dụng các nguồn năng lượng sạch, không làm phát thải khí carbon.

Định hướng thứ ba, Cơ quan phát triển Pháp dự định triển khai trong thời gian tới, đó là hỗ trợ cho Việt Nam có thể thích ứng được với những tác động không thể tránh được của biến đổi khí hậu. Ví dụ như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ bị tác động rất lớn bởi các hiện tượng khí hậu như nước biển dâng và hiện tượng ngập lụt kéo dài, chắc chắn sẽ phải giải quyết những vấn đề này. AFD sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các đô thị, các địa phương để tăng cường khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu.

Để làm những điều này cần dựa trên mối quan hệ và kinh nghiệm làm việc của chúng tôi ở Việt Nam từ 30 năm nay. Chúng tôi đã có được mối quan hệ hợp tác tin cậy với các đối tác Việt Nam.

Kể từ khi có mặt ở Việt Nam, Cơ quan phát triển Pháp đã luôn luôn tìm cách thích ứng với các nhu cầu theo các giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam. Khi chúng tôi có mặt cách đây 30 năm, ưu tiên hỗ trợ Việt Nam là xóa đói giảm nghèo, trong khi những ưu tiên của hiện tại và trong tương lai gần sẽ là khắc phục những hậu quả của biến đổi khí hậu. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là mức tài chính cam kết mà AFD hỗ trợ cho cả khu vực tư nhân lẫn khu vực nhà nước ở Việt Nam hiện nay là 1,3 tỷ euro.

Trong quá trình 30 năm hợp tác phát triển đó, các đối tác của AFD đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều. Ban đầu, chúng tôi chỉ có những khoản vay cho Chính phủ, còn hiện nay, chúng tôi đang triển khai các dự án hỗ trợ cho các địa phương, tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhà nước, như với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, và cả những hợp tác các ngân hàng thương mại Nhà nước, như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); tài trợ cho các doanh nghiệp tư nhân. AFD còn hỗ trợ cho cả các dự án hợp tác phi tập trung giữa các vùng, đô thị ở Pháp với các đô thị, các tỉnh ở Việt Nam. Ví dụ như Hà Nội đang có những dự án phi tập trung với Toulouse hay Paris. Tất cả những dự án này đều có nguồn hỗ trợ từ AFD.

Có thể nhận thấy các dự án hợp tác của AFD ở Việt Nam có sự tham gia của rất nhiều các chủ thể khác nhau từ phía Pháp cũng như phía Việt Nam.

Ông có đánh giá thế nào về tiến trình chuyển đổi năng lượng Việt Nam hiện nay?

Điều tôi có thể ghi nhận đó là qua trao đổi với chúng tôi, các bên liên quan ở Việt Nam đều có sự nhận thức rất rõ ràng về nhu cầu chuyển dịch năng lượng cũng như thực tế ngành điện vẫn chưa thực sự đạt được yêu cầu về giảm phát thải trên phương diện khí hậu.

Tất cả cũng đều nhận thức được đây là một vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi phải có quyết tâm rất cao và có nhiều nghiên cứu xem xét, giải quyết. Đây cũng là tình huống chung với tất cả các quốc gia, chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Ngay cả Pháp cũng gặp vấn đề này.

Khó khăn của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng đó là phải dung hòa được giữa một bên là nhu cầu tăng cường lượng điện để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, mặt khác phải giảm những nguồn phát điện mang tính phát thải cao. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có những nỗ lực rất nhiều về tăng cường sản xuất điện năng, cũng như lựa chọn những nguồn phát điện hợp lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia khác trên thế giới, đây là một quá trình chuyển dịch đòi hỏi có thời gian, không thể diễn ra ngay tức thời vì nếu diễn ra quá gấp rút sẽ không thể đạt được những mục tiêu về mặt kỹ thuật, cũng như kinh tế - xã hội. Do vậy, quá trình chuyển dịch năng lượng phải được lên kế hoạch kỹ lưỡng, cẩn trọng trong quá trình thực hiện.

Được biết, AFD đã có những hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện một số dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng. Xin ông cho biết đánh giá của mình về hiệu quả của những dự án này?

Thời gian vừa qua, AFD đã có những hỗ trợ cho Việt Nam trong các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi nguồn cung cấp năng lượng. Cho đến nay, những dự án này đã cho những kết quả tích cực về mặt kinh tế, đời sống của người dân được thụ hưởng. Dù vậy, trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, AFD vẫn còn ở giai đoạn đầu của việc xây dựng, triển khai các dự án lớn. Chúng tôi hiện mới có một số dự án vừa triển khai và số lượng chưa phải nhiều.

Tôi cũng xin được lấy một ví dụ, mới đây, một công trình về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được khánh thành, đó là công trình âu Kim Đài ở tỉnh Ninh Bình. Công trình này là một âu thuyền kết hợp với đập ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công trình đã thể hiện tính hiệu quả ngay từ khi được đưa vào vận hành, giúp cho khu vực vốn thường xuyên bị xâm nhập mặn nay không còn hiện tượng này. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nguy cơ về xâm nhập mặn càng ngày càng lớn và như vậy những công trình như âu Kim Đài đã thể hiện tính hữu ích, bảo vệ người dân và phát triển nông nghiệp.

Trong lĩnh vực năng lượng, đa số các dự án có sự hỗ trợ của AFD đang triển khai có tác động rất lớn đối với giảm phát thải khí nhà kính. Mới đây, chúng tôi đã tài trợ cho một dự án điện Mặt trời có quy mô lớn ở Sê San, tỉnh Kon Tum - Nhà máy Điện mặt trời Sê San 4. Và chúng tôi cũng đang triển khai hai dự án mở rộng hai nhà máy thủy điện: Hòa Bình và Ialy; cũng như hợp tác với EVN trong dự án nâng cao hiệu suất phân phối điện phục vụ cho người dân, đồng thời tiếp nhận tốt hơn các nguồn năng lượng tái tạo.

Không chỉ tài trợ cho các dự án trực tiếp ứng phó với biến đổi khí hậu hay năng lượng mà AFD còn hỗ trợ cho các dự án giúp giảm phát thải. Đơn cử như dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội và tới đây là tuyến đường sắt đô thị số 3 ga Hà Nội - Hoàng Mai. Chúng tôi hiện đang nỗ lực cùng với các cơ quan chức năng Việt Nam phấn đấu đưa vào vận hành đoạn trên cao của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm nay. Sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng lớn này sẽ có những đóng góp đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính ở khu vực đô thị.

Với những dự án cụ thể trên thực tế như trên, chúng tôi đã có những đóng góp thiết thực vào quá trình chuyển đổi năng lượng, trung hòa carbon và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông.

Việt Đức (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/phap-se-ho-tro-viet-nam-thuc-hien-cac-cam-kettai-cop26-20220514183159547.htm