Phát bắn suýt làm bùng phát chiến tranh hạt nhân Xô-Trung

Khi tuần tra đảo Damansky, binh sĩ Liên Xô đã bị Trung Quốc nã đạn khiến 50 thiệt mạng. Phát bắn này khiến 2 nước đứng bên vực chiến tranh hạt nhân.

Bên bờ chiến tranh

Sự kiện này xảy ra ngày 2/3/1969 khi đơn vị binh sĩ Liên Xô tuần tiễu đảo Damansky (Trung Quốc gọi là Zhenbao) nằm trên sông Ussuri thì bất ngờ bị Trung Quốc phát động tấn công.

Vụ việc xảy ra chỉ cách thành phố Khabarovsk của Liên Xô chừng 120 dặm, đã khiến 50 lính Xô-viết thương vong. Ngay sau vụ việc, Liên Xô tin rằng đây là cuộc tấn công có toan tính từ trước của Trung Quốc bởi sự dã man và hành động nhanh chóng của bbinh sĩ Bắc Kinh.

Và điều đó đã khiến Liên xô không thể ngồi im. Ngày 15/3, lính biên phòng Liên Xô nổ súng tấn công các lực lượng Trung Quốc ở trên và quanh đảo Damansky/Zhenbao, giết chết hàng trăm tay súng đối phương.

Đụng độ giữa hai bên liên tiếp diễn ra sau đó. Đến ngày 20/8/1969, Đại sứ Liên Xô tại Mỹ Anatoly Dobrynin được lệnh tới gặp Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger để thông báo ý định tấn công Trung Quốc bằng hạt nhân của Moscow và đề nghị nhận được ý kiến từ Washington.

Binh sĩ Trung Quốc tuần tra đảo Damansky/Zhenbao.

Một số chuyên gia nhận định, động thái này cho thấy Liên Xô mong Mỹ có thể ủng hộ hoặc ít nhất đứng ở vị trí trung lập nếu cuộc chiến nổ ra, bởi khi đó quan hệ Trung-Mỹ cũng đang rất căng thẳng. Sau đó, Kissinger đã đem thông tin này trình lên Tổng thống đương nhiệm Richard Nixon.

Tuy nhiên, Nixon cho rằng, Liên Xô mới là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ. Việc Liên Xô tấn công Trung Quốc bằng hạt nhân sẽ khiến Bắc Kinh ra tay đáp trả toàn diện. Đến khi đó, ô nhiễm hạt nhân từ cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng tới 250.000 lính Mỹ đang đóng quân tại các căn cứ ở châu Á.

Đặc biệt hơn, khi "hộp Pandora" hạt nhân của Liên Xô được mở ra, trật tự thế giới sẽ thay đổi và vị trí lãnh đạo thế giới của Washington sẽ lung lay. Thông qua các cuộc thảo luận, phía Mỹ đưa ra hai nhận định:

Thứ nhất, chỉ cần Mỹ phản đối, Liên Xô sẽ không dám manh động sử dụng vũ khí hạt nhân. Thứ hai, cần tương kế tựu kế thông báo sớm cho Bắc Kinh về ý định tấn công hạt nhân mà không làm mất lòng Moscow và cũng không khiến Bắc Kinh nghi ngờ bởi khi đó quan hệ Trung - Mỹ vẫn đang căng thẳng.

Cuối cùng, Nixon đã bí mật lệnh cho một tờ báo ít danh tiếng ở Mỹ đăng tải thông tin trên. Theo đó, ngày 28/8, tờ The Washington Star bất ngờ đưa tin, "theo nguồn tin đáng tin cậy, Liên Xô muốn sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung mang theo đầu đạn hạt nhân tấn công vào các cơ cơ quân sự trong yếu của Trung Quốc..."

Thông tin này đã lập tức dậy sóng thế giới. Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là Leonid IIyich Brezhnev đã vô cùng tức giận. Về phía Trung Quốc, sau khi nghe Thủ tướng Chu Ân Lai báo cáo, Mao Trạch Đông đã nói: "Không phải là muốn chiến tranh hạt nhân sao! Bom nguyên tử rất lợi hại nhưng kẻ hèn này không sợ".

Sau đó, ông Mao Trạch Đông đưa ra phương án "đào hầm công sự, tích trữ lương thực". Trung Quốc nhanh chóng bước vào "trạng thái sẵn sàng chiến đấu...".

Hạ nhiệt

Sau thời gian căng như dây đàn, Ngày 11/9/1969, được sự đồng ý của Mao Trạch Đông, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã có cuộc hội đàm quan trọng kéo dài 3 tiếng đồng hồ với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. N. Kosygin ngay tại sân bay Bắc Kinh.

Giới chuyên gia chính trị bấy giờ nhận định, cuộc hội đàm cho thấy, quan hệ Trung Quốc - Liên Xô có thể sẽ được xoa dịu. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cáo buộc Liên Xô tiếp tục có động thái mạnh nhằm gia tăng áp lực lên Trung Quốc sau khi ông Kosygin về nước.

Ngày 16/9, tờ Sunday Post (Scotland) đăng tải bài viết của Victor Louis, một ký giả Xô-viết làm việc cho báo chí phương Tây tại Moscow và có nhiều quan hệ với giới chức cấp cao của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), cho biết, "Liên Xô có thể sẽ tiến hành tấn công trên không, nhằm vào căn cứ Lop Nor, Tân Cương, Trung Quốc".

Phía Washington nhận thấy, dụng ý bài viết của Louis chủ yếu nhằm thăm dò phản ứng của Mỹ cũng như cảnh cáo Trung Quốc. Xét từ lợi ích chiến lược toàn cầu và hậu quả nghiêm trọng của cuộc chiến tranh hạt nhân đối với Mỹ, Tổng thống Nixon đã nhanh chóng mở một hội nghị quốc phòng.

"Chúng ta cần ngăn chặn cuộc chiến sắp nổ ra giữa Trung Quốc và Liên Xô nhưng nếu họ cố ý muốn thực hiện thì đó là việc của họ", Nixon nhấn mạnh. Washington sau đó đã thực hiện ba bước kế hoạch: Nhanh chóng tái tổ chức các cuộc hội đàm nhằm khôi phục quan hệ hai nước Trung - Mỹ.

Thông qua Tổng Bí thư đảng Cộng sản Romania Nicolae Ceausescu - người có quan hệ mật thiết với Trung Quốc để truyền đạt thiện chí mong muốn làm lành với Bắc Kinh. Phía Mỹ dùng mật mã của Moscow đã được giải mã, hạ lệnh chuẩn bị tiến hành chiến tranh hạt nhân nhằm vào 134 mục tiêu trọng yếu của Liên Xô như các thành phố lớn, căn cứ quân sự quan trọng v.v...

Khoảng 19h ngày 15/10/1969, ông Kosygin báo với lãnh đạo Brezhnev hai tin khẩn. Thứ nhất, căn cứ tên lửa của Trung Quốc đã được lệnh bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Thứ hai, phía Mỹ đã thể hiện rõ ràng rằng, lợi ích của Trung Quốc liên quan đến Washington và hoạch định cụ thể kế hoạch tấn công hạt nhân vào Moscow.

Theo tư liệu do Sohu đăng tải, khi đó Brezhnev không tin nên đã gọi điện cho Anatoly Dobrynin - Đại sứ Liên Xô ở Mỹ nhằm xác nhận thông tin. "Chính xác... Tổng thống Nixon cho rằng lợi ích của Trung Quốc có quan hệ mật thiết với lợi ích của Mỹ...

Nếu Trung Quốc bị tấn công hạt nhân, họ cho rằng đó là sự khởi đầu của đại chiến thế giới thứ III... Tổng thống đã ký mật lệnh sẵn sàng tấn công lại vào hơn 130 thành phố, căn cứ quân sự của chúng ta...", Dobrymin xác nhận.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/ho-so/phat-ban-suyt-lam-bung-phat-chien-tranh-hat-nhan-xo-trung-3350486/