Phát cuồng vì thần tượng: Đừng khắt khe với giới trẻ

Việc một bộ phận giới trẻ sẵn sàng lao ra hôn ghế một sao ngoại quốc ngồi, hay khóc nức nở khi được chạm tay thần tượng khiến xã hội lên án. Nhưng theo Ths Nguyễn Hà Thành thì điều đó không bất thường.

Thiếu thần tượng thực tế

Ths tâm lý Nguyễn Hà Thành (Quản lý dự án Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào công đồng, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) cho biết: Việc thần tượng một ngôi sao, người nổi tiếng nào đó không phải bây giờ mới xuất hiện. Từ những năm đầu thập niên 80, những nữ sinh cũng đã dán trên tường tấm hình ban nhạc ABBA hay những diễn viên nổi tiếng.

Ths tâm lý Nguyễn Hà Thành

Xét dưới góc độ tâm lý thì ở bất kỳ con người nào trong độ tuổi 13- 22 (tập trung chủ yếu giai đoạn 16- 17 tuổi) đều xây dựng cho mình một thần tượng. Thần tượng đó có thể là một vĩ nhân, có thể là ngôi sao ca nhạc, minh tinh màn bạc hoặc đơn giản chỉ là một người hàng xóm…

Theo Ths Hà Thành thì việc thần tượng quá mức những ngôi sao Hàn Quốc cũng chỉ ra rằng, giới trẻ Việt đang thiếu những hình ảnh đời thường mà họ có thể tin tưởng làm theo và giành tình cảm đặc biệt.

Như vậy, không thể phủ nhận rằng, các công ty truyền thông của Hàn Quốc đã làm rất tốt việc quảng cáo, truyền thông và xây dựng được những hình ảnh ngôi sao lạnh lùng bên ngoài nhưng bên trong thật ấm áp. Họ nhất quán trong việc quảng bá hình ảnh, đẹp, sạch cả quãng thời gian dài, chứ không giống như những ngôi sao Việt nay có thể đẹp đấy, nhưng mai lại có những hành động, lời nói mà không thể tin được thể hiện từ một con người đẹp đẽ.

Vì thế, theo Ths Hà Thành thì việc trẻ khóc ròng khi gặp thần tượng Hàn Quốc đúng là không bình thường, nhưng cũng không không hẳn là bất thường. Bởi nó thể hiện tình yêu tưởng như quá xa vời, tưởng như không thể chạm được vào bỗng một ngày được nhìn thấy bằng xương, bằng thịt. Ấy là khi cảm xúc được bộc lộ sau một thời gian dài dồn nén rất lâu mới được bùng nổ.

Lỗi một phần do truyền thông

Tuy nhiên, đối với việc thể hiện của giới trẻ hiện nay “phát cuồng” với các ngôi sao K- pop Hàn Quốc, theo Ths Hà Thành một phần có sự “tác động” của truyền thông. Truyền thông đang “làm quá” lên hiên tượng này vô tình tạo ra “cú hích”, khiến nhiều người tưởng hiện tượng này như là bi kịch của xã hội, ném cái nhìn khắt khe hơn với giới trẻ.

Ngất xỉu vì dẫm đạp lên nhau để gặp thần tượng

“Điều này vô tình làm những đứa trẻ mới lớn bị tổn thương. Bởi giống như bạn đang cực kỳ ngưỡng mộ một ai đó, một ngày đẹp trời bạn bị bố mẹ cấm cản, bị bạn bè, người thân miệt thị bêu rếu thần tượng của mình. Tôi chắc chắn, lúc đó bạn sẽ phản ứng. Đó cũng là diễn biến tâm lý bình thường của mỗi con người mà thôi” – Ths Hà Thành nhấn mạnh.

Theo Ths Hà Thành thì sự cấm cản, sự lên án của xã hội với hành vi này vô tình tạo ra sự chống đối của giới trẻ. Nếu bố mẹ tôn trọng, giải thích và hướng cho trẻ biết phân biệt đúng sai, biết hướng trẻ tới những hình tượng khác thì chắc chắn trẻ sẽ không làm quá lên.

“Tôi còn nhớ, trường hợp ở Trung Quốc một đứa con đã dám cầm giao giết bố mình,chỉ vì ông ta dám xúc phạm đến thần tượng K.pop của nó. Trẻ ở độ tuổi chưa xác định được cụ thể mục tiêu cũng như nhu cầu của mình, chỉ cần yêu là yêu nồng nàn thôi thì càng mắng, càng khiến chúng khẳng định bản thân, càng đẩy chúng ra xa tầm kiểm soát” – Ths Hà Thành nhấn mạnh.

Ths Hà Thành cho rằng, giới trẻ hãy thể hiện tình yêu của mình một cách thoải mái nhưng không nên thái quá (hôn ghế thần tượng ngồi, khóc lóc vật vã… vừa mất vệ sinh lại tạo ra hình ảnh không đẹp mắt, thậm chí tự tử vì thần tượng cũng chỉ làm thiệt thân mình).

Với xã hội thì cũng cần có cái nhìn cảm thông hơn, cần nhìn thấy nhu cầu thực của giới trẻ để đưa ra những chiến lược cụ thể. Đặc biệt đối với gia đình, thì cần hướng trẻ đến những hoạt động bổ ích, phân tích cho trẻ thấy những tác hại khi quá thần tượng một ngôi sao nào đó.

Theo Infonet.vn

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/gioi-tre/phat-cuong-vi-than-tuong-dung-khat-khe-voi-gioi-tre-89778.html