Phật đản Phật lịch 2568: Tri ân sự hy sinh thiêng liêng của các thế hệ cha ông

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, mỗi chúng ta cần phải biết ơn và trân trọng, tri ân và báo ân đối với sự hy sinh thiêng liêng của biết bao thế hệ cha ông đã giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Nghi thức Cúng dường Phật đản. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Nghi thức Cúng dường Phật đản. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Mùa Phật đản Phật lịch 2568 lại về trong không khí hân hoan của người con Phật. Phật đản năm nay diễn ra trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."

Nhìn lại chặng đường lịch sử đó, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết Phật giáo Việt Nam tự hào đã góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc, góp phần làm nên bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam với các thế hệ chư tăng tham gia phong trào cởi áo cà sa, khoác chiến bào năm 1947.

Đó cũng là minh chứng lịch sử tiếp nối hào khí Đông A thời Trần của Phật giáo Trúc Lâm, của Đức Vua Phật hoàng Trần Nhân Tông trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng là minh chứng rõ ràng cho sự dấn thân cao cả của các bậc Bồ Tát đi vào đời thường, như trong luận Đại trượng phu đã ghi: "Bồ Tát hy sinh tất cả, đại thí cứu người. Người cứu vớt người thì bố thí tất cả, có gì là khó. Người ấy là người tối thắng của muôn loài, là người hướng dẫn muôn loài đạt được sự an lạc. Người ấy là con người của từ bi, nên hy sinh tất cả mà không ngần ngại. Người ấy là người chân thật cứu người, cứu đời."

Trong Thông điệp Phật đản Phật lịch 2568, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nhắn nhủ Đại lễ Phật đản là dịp mọi người cùng nhau ôn lại cuộc đời cao thượng, những lời dạy vô ngã vị tha, đầy thương yêu và trí tuệ của Đức Phật, "không chỉ là nguồn an ủi mà còn hiến tặng giải pháp thiết thực chuyển hóa nỗi khổ đau cá nhân, kiến tạo môi trường an lạc cho vạn loại chúng sanh."

Thế giới hôm nay đang phải chịu nhiều khổ đau do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh và xung đột. Chiến tranh làm cho nhân loại vốn đã khổ đau càng thêm đau khổ, hận thù tiếp nối hận thù, con người phải sống trong nỗi bất an và sợ hãi. Nguy cơ của vũ khí hủy diệt đang đe dọa khắp hành tinh, hủy diệt sự sống của nhân loại. Hơn bao giờ hết, chúng ta càng trân kính và nỗ lực thực hành những lời dạy quý báu của Đức Phật trong việc xây dựng một thế giới an bình, nhân văn, đạo đức.

Mùa Phật đản, mùa của yêu thương và hiểu biết, Hòa thượng Pháp chủ kêu gọi tất cả những người con Phật trên khắp thế giới thực hành những lời dạy vàng ngọc của Đức Phật; "tịnh hóa tâm thức; chuyển hóa tam độc tham, sân, si thành tam vô lậu học giới, định, tuệ," cùng cả nhân loại chung sống vị tha, kiến tạo thế giới hòa bình, an lạc như kinh Duy Ma Cật đã dạy: "Tâm bình thế giới bình."

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là tấm gương vĩ đại nhất phản chiếu ánh sáng của lòng tri ân đối với cuộc đời của một con người.

Đức Phật đã dạy các đệ tử rằng: "Tri ân Tổ quốc là điều thiêng liêng nhất. Một người có lòng tri ân, họ sẽ có tất cả; một người không có tâm tri ân, họ sẽ mất tất cả." Ngày hôm nay được sống trong một đất nước hòa bình, thịnh vượng, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mỗi chúng ta cần phải biết ơn và trân trọng, tri ân và báo ân đối với sự hy sinh thiêng liêng của biết bao thế hệ cha ông đã giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

"Đề cao trách nhiệm, giữ vững kỷ cương, và làm tròn bổn phận của mình" là lời nhắc nhở của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với các tăng, ni.

Hòa thượng cũng nhắc nhở các cấp Giáo hội tập trung tổ chức tốt kỳ an cư kết hạ Phật lịch 2568, nêu cao tính kỷ cương, trách nhiệm. Tăng, ni các chùa, cơ sở tự viện đổi mới sáng tạo trong phương thức hướng dẫn tín đồ Phật tử phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội, góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần, xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội thông qua việc tổ chức các khóa tu mùa hè cho thanh, thiếu niên Phật tử hè 2024, giúp các bạn trẻ trở thành những con ngoan, trò giỏi, học tập tiến bộ.

Đồng thời, giáo dục lòng yêu nước, tự hào truyền thống anh hùng của dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chung tay xây dựng quê hương, đất nước hùng cường, thịnh vượng. Nam nữ Phật tử làm người công dân tốt, gắng sức tu tập, trau dồi đức hạnh, dứt bỏ tham, sân, si, thói quen phiền não, nỗ lực tu tâm dưỡng tính để thân tâm được an lạc, thanh tịnh.

Năm 2024 là năm thứ hai của nhiệm kỳ IX Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tăng ni, cư sỹ, Phật tử trong và ngoài nước không ngừng tu tập, thực hành lời dạy của Đức Phật; luôn luôn nêu cao khẩu hiệu: "Kỷ cương-Trách nhiệm-Đoàn kết-Phát triển để chung sức, chung lòng xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc."

Trong bước phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng cùng đất nước, Phật giáo đã có nhiều đóng góp trí tuệ, thực hành các hoạt động ích đạo, lợi đời như tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, hay tham gia giải quyết các vấn nạn toàn cầu như biến đổi khí hậu…

Những hoạt động nhập thế ấy thể hiện giáo lý tốt đẹp của Phật giáo - một tôn giáo nổi bật với tinh thần hòa bình, đề cao lối sống tỉnh thức, tràn đầy tình thương và lòng nhân đạo - khiến Phật giáo trở nên đặc biệt gần gũi và là một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính với các chư Tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các chư Tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Điều đó cũng cho thấy sự đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói tại Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo năm 2022 rằng: "đất nước có phong trào gì thì các tôn giáo hưởng ứng tích cực, đóng góp hiệu quả cho phong trào đó. Đất nước có khó khăn, thách thức thì với tinh thần đại đoàn kết, tôn giáo đồng hành cùng đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ đất nước. Đất nước có thuận lợi và thời cơ thì tôn giáo thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển đất nước hùng cường thịnh vượng và nhân dân ấm no, hạnh phúc. Tôn giáo luôn sát cánh, đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc trong mọi khó khăn, thách thức, thời cơ và thuận lợi."

 Hòa thượng Thích Thanh Quyết (đội mũ) - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các phật tử hành hương về Đại lễ Phật đản. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Hòa thượng Thích Thanh Quyết (đội mũ) - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các phật tử hành hương về Đại lễ Phật đản. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng hoạt động thuận lợi trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật và thực hiện phương châm "tốt đời, đẹp đạo," Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo và không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.

Sách Trắng "Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam" đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng; "không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm."

Nhìn về vấn đề này, Đại đức, Tiến sỹ Thích Nguyên Toàn, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang từng nhấn mạnh tại Hội thảo "Phật giáo và quyền con người" mới đây, rằng Nhà nước và Giáo hội rất quan tâm đến tình hình tôn giáo ở các tỉnh biên giới nói chung, trong đó có Hà Giang.

Sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang là minh chứng sinh động nhất cho bức tranh nhân quyền đó. Nếu như năm 2013, khi bắt đầu thành lập Giáo hội Phật giáo tỉnh, trên địa bàn chỉ có 3 ngôi chùa, không có tín đồ phật tử, đến nay đã có 25 cơ sở tôn giáo, gần 10.000 tín đồ phật tử. Đây là một bức tranh nhân quyền về tôn giáo tốt đẹp nhất.

Phật giáo Hà Giang đã góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cho vùng đồng bào các dân tộc ít người tại địa phương; làm chuyển biến nhận thức của tăng, ni, phật tử về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, về quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân được tôn trọng. Tăng, ni, phật tử thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phat-dan-phat-lich-2568-tri-an-su-hy-sinh-thieng-lieng-cua-cac-the-he-cha-ong-post954746.vnp