Phát hiện 13 cọc gỗ giữa lòng sông, nghi của trận Bạch Đằng năm 1288

Các nhà khoa học đánh giá bãi cọc mới phát hiện ở Hải Phòng có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu trận Bạch Đằng năm 1288.

Ngày 18/2, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng có tờ trình gửi UBND TP Hải Phòng đề nghị cấp phép khai quật khẩn cấp bãi cọc mới phát hiện tại xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên), nghi có liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Trước đó, vào ngày 9/2, gia đình ông Đào Văn Đến (thôn 11, xã Lại Xuân) phát hiện 13 cọc gỗ dưới đáy ao sau khi bơm nước để thu hoạch cá.

 Khu vực phát hiện bãi cọc mới ở Hải Phòng (vùng khoanh đỏ). Ảnh: Google Maps.

Khu vực phát hiện bãi cọc mới ở Hải Phòng (vùng khoanh đỏ). Ảnh: Google Maps.

Ao nuôi cá của gia đình ông Đến có tên là đầm Thượng, vốn là cồn đất nằm chính giữa ngã ba sông Kinh Thầy, Đá Vách và sông Đá Bạc.

Khu vực này cũng là nơi giáp ranh địa giới hành chính của 3 tỉnh thành: Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương.

Ngày 12/2, các chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam đã về xã Lại Xuân để tổ chức khảo sát khu vực phát lộ các cọc gỗ.

Kết quả cho thấy một số cọc tại đây đã có dấu hiệu bị hủy hoại như các đầu cọc bị chặt bằng, một số cọc nằm trong bờ kè đá bờ ao của gia đình ông Đến. Đặc biệt, gia đình ông Đến cũng đang hút bùn, cải tạo mặt đáy ao để nuôi cá.

Các nhà nghiên cứu ban đầu đánh giá bãi cọc (tạm gọi là Đầm Thượng) mới phát hiện có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng năm 1288.

Vì vậy, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đề nghị UBND TP Hải Phòng cần sớm vào cuộc, cấp phép khai quật khẩn cấp để bãi cọc này không bị hủy hoại.

Đây là bãi cọc thứ 2 được phát hiện ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Ba hố khai quật bãi cọc Cao Quỳ. Ảnh: Quốc Nam.

Trước đó, từ ngày 27/11/2019 đến ngày 19/12/2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật 3 hố rộng 950 m2 và phát hiện 27 chiếc cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê.

Những chiếc cọc này bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc. Trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Cọc phân bố không thẳng hàng. Căn cứ vào kết quả giám định niên đại cho thấy có thể cọc được làm vào thế kỷ XIII.

Di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Cận cảnh 4 bãi cọc liên quan đến trận chiến Bạch Đằng Ngoài Cao Quỳ (Hải Phòng) vừa phát hiện, ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) từng có 3 bãi cọc liên quan đến trận chiến Bạch Đằng 1288 được phát hiện.

Nguyễn Dương

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phat-hien-13-coc-go-giua-long-song-nghi-cua-tran-bach-dang-nam-1288-post1048687.html