Phát hiện ẩn tinh hoàn ở trẻ bằng cách nào?

Bé trai 3 tuổi ở Quảng Ninh bị ẩn tinh hoàn, rất may gia đình phát hiện sớm và đưa đến bệnh viện phẫu thuật.

Bé trai B.Đ.V.A (3 tuổi) ở huyện Đông Hưng, Thái Bình, được mẹ vô tình phát hiện bất thường khi thấy bìu không cân đối, sờ nắn chỉ thấy con trai có một bên tinh hoàn trong khi tắm.

Kết quả siêu âm kiểm tra không thấy tinh hoàn bên phải trong bìu, các bác sĩ chẩn đoán cháu A. bị tinh hoàn phải ẩn.

Kíp mổ Khoa Ngoại do BS Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa phụ trách phối hợp với bác sĩ Phạm Trung Đức, Phó khoa Gây mê hồi sức để thực hiện phẫu thuật. Với sự hỗ trợ của bộ dụng cụ nội soi nhi khoa, phẫu thuật viên kiểm tra thấy tinh hoàn teo nhỏ trong ổ bụng.

Tinh hoàn phải ẩn được phẫu thuật viên đưa xuống bìu.

Kíp mổ tiến hành giải phóng tinh hoàn phải khỏi tổ chức dây xơ ống bẹn, di động cuống mạch và ống dẫn tinh, khéo léo hạ tinh hoàn xuống bìu và cố định cho trẻ. Sau 30 phút, tinh hoàn ẩn đã được kíp phẫu thuật hạ về đúng vị trí chức năng trong bìu. Sau mổ bệnh nhi tỉnh táo, sức khỏe ổn định, ăn uống được ngay và dự kiến xuất viện ngày hôm sau.

BS CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, BVĐK tỉnh Quảng Ninh cho biết: Phát hiện tinh hoàn ẩn khá dễ, chủ yếu do các bậc phụ huynh không sờ thấy tinh hoàn của trẻ, tuy nhiên để xác định tinh hoàn ấy đang nằm ở vị trí nào để có hướng xử trí tối ưu thì cần sự hỗ trợ của trang thiết bị chẩn đoán hiện đại. Tình trạng tinh hoàn ẩn khó khăn nhất là khi tinh hoàn lạc trong ổ bụng.

Trường hợp của cháu A. là tinh hoàn phải bị teo nhỏ và ẩn trên bụng nên không thể thấy được qua siêu âm. Bên cạnh đó, việc chụp CT hay MRI gặp khó khăn do trẻ không hợp tác. Do vậy, chúng tôi đã kết hợp nội soi ổ bụng đánh giá tình trạng tinh hoàn, sau đó mở nhỏ để gỡ cuống đủ dài và di chuyển xuống bìu.

Đây là phương pháp tối ưu để điều trị tinh hoàn ẩn cho trẻ. Điều quan trọng nhất ở bệnh lý này là cần phải được phát hiện sớm và phẫu thuật kịp thời để tăng khả năng sinh sản cũng như giảm các biến chứng sau này cho bé trai.

Tinh hoàn ẩn là tình trạng trẻ sinh ra mà một hay cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu mà nằm ở vị trí khác ngoài bìu như trong ống bẹn hoặc ổ bụng. Tình trạng này còn được gọi là dị tật tinh hoàn. Ở bé trai sơ sinh, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 2 – 5%.

Tỷ lệ này tăng cao khi trẻ sơ sinh bị nhẹ cân, sinh đôi, sinh non. Việc chẩn đoán bệnh có thể dựa vào thăm khám lâm sàng và các phương tiện chẩn đoán khác: siêu âm bẹn bìu, siêu âm bụng hoặc chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng trong trường hợp xác định vị trí tinh hoàn lạc chỗ.

Bệnh lý này cần được phát hiện sớm và điều trị đúng thời điểm, độ tuổi can thiệp điều trị thích hợp nhất là từ 6 - 18 tháng để tinh hoàn có chức năng sinh sản, tránh những biến chứng như: teo tinh hoàn, ung thư, xoắn tinh hoàn... và dẫn đến nguy cơ vô sinh, gây mặc cảm tâm ý về sau.

Các phương pháp được áp dụng điều trị bệnh lý tinh hoàn ẩn hiện nay là sử dụng thuốc nội tiết và phẫu thuật. Trong trường hợp điều trị nội khoa không tiến triển, phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn là phương pháp điều trị tối ưu nhất. Việc phối hợp với thuốc nội tiết cũng sẽ làm chậm quá trình thoái hóa, duy trì môi trường có lợi cho chức năng tinh hoàn, hỗ trợ phương pháp phẫu thuật sau này hiệu quả hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo: Trẻ em sau sinh cần phải được thăm khám tổng thể, bao gồm cả cơ quan sinh dục. Ở trẻ nam, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng phát hiện khi nhìn thấy túi bìu không cân đối.

Trong trường hợp không thấy có đủ 2 tinh hoàn trong bìu, phụ huynh cần cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị kịp thời. Bởi để càng lâu thì nguy cơ mất cả chức năng sinh sản, sinh dục càng cao do nằm lạc vị trí. Ngoài ra, các biến chứng khác có thể gặp do tinh hoàn ẩn như: xoắn vặn tinh hoàn, chấn thương vỡ tinh hoàn ẩn… gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống về sau.

Hà Trang (BVĐK tỉnh Quảng Ninh)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//phat-hien-an-tinh-hoan-o-tre-bang-cach-nao-169220907122545156.htm