Phát hiện ánh sáng đầu tiên của vũ trụ sau Big Bang

Cuộc tìm kiếm đã kéo dài cả thập kỷ và kết quả đến sớm hơn mong đợi nhiều năm, được mô tả là đột phá thiên văn lớn nhất kể từ phát hiện đoạt giải Nobel 2015.

Các nhà thiên văn học hôm 1/3 công bố khám phá về những ngôi sao đầu tiên hình thành sau vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ, khiến thế giới khoa học phấn khích.

AFP nói phát hiện mới cần phải được xác thực bằng những thí nghiệm độc lập, song giới nghiên cứu hy vọng điều này có thể giúp làm sáng tỏ bí ẩn về vật chất vô hình tạo thành một phần lớn vũ trụ.

"Việc tìm thấy các dấu hiệu vô cùng nhỏ này đã mở ra hướng đi mới trong nghiên cứu vũ trụ thời kỳ đầu", nhà thiên văn học Judd Bowman của Đại học Quốc gia Arizona, trưởng dự án nghiên cứu, cho biết trên AFP.

Phát hiện mới có thể giúp làm sáng tỏ những bí ẩn về vũ trụ thời kỳ đầu. Đồ họa: NR Fuller, National Science Foundation.

Bằng chứng về các ngôi sao, đã hoạt động cách đây 13,6 tỷ năm (tức khoảng 180 triệu năm sau vụ nổ Big Bang), được thu bởi một ăng-ten có hình dạng như chiếc bàn ăn đặt trên sa mạc Australia, theo Guardian.

Dữ liệu thu được cho thấy vũ trụ trong thời kỳ đầu dường như lạnh gấp hai lần dự đoán trước đây, vào khoảng -270 độ C, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.

Một số nhà khoa học nhận định việc này có thể liên quan đến "vật chất tối" (dark matter), chủ đề của một bài báo khác đi kèm. Theo tác giả nghiên cứu này, Rennan Barkana ở Đại học Tel Aviv, nhiệt độ trên có thể là do vật chất bình thường tương tác và truyền năng lượng cho vật chất tối.

Vô hình trước kính thiên văn, vật chất tối được cảm nhận thông qua lực hấp dẫn mà nó tác động lên các vật thể khác trong vũ trụ. Tuy nhiên, sự tồn tại của nó không thể được giải thích bằng lý thuyết vật lý chính thống về các hạt cơ bản.

Thiết bị trên sa mạc Tây Australia giúp phát hiện dấu hiệu các ngôi sao đầu tiên trong vũ trụ. Ảnh: Dragonfly Media/CSIRO Australia.

"Phát hiện có thể là về những ngôi sao đầu tiên trong vũ trụ sẽ là một khám phá mang tính cách mạng nếu nó vượt qua thử thách thời gian", nhà vật lý thiên văn đoạt giải Nobel Brian Schmidt, Đại học Quốc gia Australia, nói với AFP.

Các nhà khoa học tin rằng trong khoảng 400.000 năm sau vụ nổ Big Bang, vũ trụ hoàn toàn chìm trong bóng tối với thành phần chủ yếu là khí hydro. Lực hấp dẫn kéo những khu vực tập trung khí đậm đặc nhất về với nhau, hình thành nên các ngôi sao. Mặt Trời và Hệ Mặt trời hình thành khoảng 9 tỷ năm sau đó.

Các ngôi sao đầu tiên này là nguồn gốc của tất cả nguyên tố nặng trong vũ trụ, bao gồm những nguyên tố cần thiết cho sự sống.

VIDEO: Lỗ đen: Vùng không - thời gian nguy hiểm nhất vũ trụ

Với lực hút vô hạn, lỗ đen có thể nuốt chửng và xóa bỏ hoàn toàn "cấu trúc thông tin" của các vật thể, và nếu vũ trụ bị hút vào, nó cũng sẽ có kết quả tương tự.

Đông Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phat-hien-anh-sang-dau-tien-cua-vu-tru-sau-big-bang-post822611.html