Phát hiện dấu tích sân Đan Trì, đường Ngự Đạo

Kinhtedothi – Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học tổ chức Hội thảo khoa học 'Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2022'.

Kết quả khai quật tiếp tục phát lộ dấu tích kiến trúc của các thời kỳ Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng, Nguyễn. Các dấu tích góp phần làm rõ hơn về cấu trúc và phạm vi của khu vực chính điện Kính Thiên.

Khu vực khai quật mở rộng chính điện Kính Thiên.

Khu vực khai quật mở rộng chính điện Kính Thiên.

Phát lộ những dấu tích kiến trúc mới

Trong cuộc hội thảo “đầu bờ”, PGS.TS Tống Trung Tín - Phụ trách công trường khai quật ở rộng chính điện Kính Thiên đưa đoàn đại biểu và khách mời vào thăm khu vực phía Đông Bắc di tích với tổng diện tích gần 1.000 m2. Tại, vị trí khai quật này, các nhà khảo cổ học đã phát lộ tầng văn hóa dày 3 mét từ thời Lý đến Pháp thuộc. Trong đó có những dấu tích kiến trúc thời hiện đại như hầm cá nhân tránh máy bay Mỹ, dấu tích bể nước (Dấu tích cắt phá trực tiếp nền sân Đan Trì thời Lê Trung hưng, xuống tầng văn hóa thời Trần).

Cuộc hội thảo "đầu bờ" được tổ chức trực tiếp tại hố khai quật.

Thời Lê sơ và Lê Trung hưng tiếp tục làm phát lộ dấu tích sân Đan Trì, đường Ngự Đạo. Đặc biệt, các hố thám sát ở nhà Cục Tác chiến lần đầu tiên xuất lộ Ngự Đạo thời Lê Sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn, bên cạnh Ngự Đạo lại có thêm một lối đi phụ ở phía Đông bằng gạch lát nghiêng. Lối đi này cũng trùng khớp vào cửa phụ phía Đông của cửa Đoan Môn; hố thám sát ở giữa lòng nhà xuất lộ hàng gạch bó 2 lớp chạy theo chiều Đông – Tây có khả năng là hàng gạch bó nền ngăn sân Đại Triều làm 2 cấp khác nhau (?). Theo các nhà khoa học, điều này đang được nghiên cứu thêm.

Các dấu tích được phát lộ.

Bên cạnh đó, các dấu tích kiến trúc thời Lý, Trần cũng tiếp tục được làm sáng tỏ hơn như; dấu tích bức tường lớn chạy theo chiều Đông Tây với nhiều lần cải tạo mở rộng, bức tường này có thể bao quanh khu vực tương đối lớn và có nhiều kiến trúc quan trọng vì thế người xưa đã mở nhiều cống nước đi qua chân tường đổ vào đường nước lớn, đáy cống được làm bằng đá phiến có đục 2 lỗ vuông có thể được dùng để cài song sắt chống đột nhập. Ngoài ra còn có dấu tích móng cột kiến trúc còn nguyên chân tảng đá hoa sen, nền lát gạch vuông còn lại khá nguyên vẹn.

Bên cạnh các dấu tích kiến trúc, cuộc khai quật cũng thu được nhiều loại hình gạch, ngói, gốm men, gốm sành liên quan đến quá trình phát triển kiến trúc và đời sống Hoàng cung nơi đây.

Còn nhiều bí ẩn về hoàng cung xưa

Bên cạnh các phát hiện mới trên đây, cuộc khai quật cũng phản ánh dưới lòng đất khu vực Trung tâm còn rất nhiều bí ẩn cần giải mã trong thời gian tới. Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đó là cấu trúc chi tiết và tổng thể của Đan Trì như thế nào? Các cấp nền Đan Trì cao thấp và quy mô phân cấp đến đâu? Các làn đường nhỏ trên sân Đan Trì đã phát hiện, dấu tích có còn ở hướng Bắc và hướng Nam không? Rõ ràng, cấu trúc Ngự Đạo, Đan Trì phức tạp hơn nhận thức trước đây rất nhiều? Và như thế, cấu trúc tổng thể của Đan Trì và cấu trúc tổng thể của không gian rộng 35.000m2 hẳn sẽ còn nhiều điều thú vị hơn nữa mà ta chưa thể biết ngay được.

Toàn cảnh khu vực khai quật.

Thêm nữa, mặt bằng thời Lý với sự xuất hiện nhiều dấu tích kiến trúc phía trong đường nước và tường bao tăng độ khó hiểu cho mặt bằng và chức năng của các di tích thời Lý ở đây. Hơn nữa, hầu hết quy mô và cấu trúc của kiến trúc Lý đều chưa được làm rõ. Mặt bằng và các di tích thời Trần càng rắc rối và khó hiểu nếu không nói là khó hiểu nhất ở khu vực này cũng như trong tổng thể Di sản. Tuy nhiên, câu chuyện về các di tích khảo cổ học xưa nay luôn là như vậy, vẫn luôn luôn cần nghiên cứu từng bước .

Một số hiện vật thu được.

Dù vậy, cuộc khai quật khảo cổ học năm 2022 đã tiếp tục phát hiện nhiều tư liệu rất mới góp phần hiểu sâu sắc thêm các di tích khảo cổ ở khu vực Trung tâm qua hàng nghìn năm lịch sử, qua đó góp phần hiểu sâu sắc thêm rất nhiều giá trị của Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long, nhất là có thêm nhiều tư liệu mang tính xác thực cao góp phần khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên.

Mặt khác, sự thay đổi, chồng xếp vô cùng phức tạp của các dấu tích qua các thời kỳ lịch sử ở khu vực Trung tâm mang lại những nhận thức mới cũng như nhiều gưọi ý cho nghiên cứu lâu dài, nhằm làm sáng tỏ hơn giá trị nổi bật toàn cầu của di sản theo khuyến nghị UNESCO.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-hien-dau-tich-san-dan-tri-duong-ngu-dao.html