Phát hiện enzyme 'ăn nhựa' làm giảm ô nhiễm môi trường

Các nhà khoa học vừa phát triển một loại enzyme có thể 'ăn' các loại chai, lọ bằng nhựa. Điều này là một sự tình cờ nhưng rất may mắn và mang lại cơ hội triển vọng mới để nhân loại cùng nhau giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang hiện hữu trên khắp hành tinh.

Nhựa thông thường cần tới 400 năm để phân hủy là một trong những vấn đề nan giải nhất đối với các nhà khoa học và người bảo vệ môi trường

Nhựa thông thường cần tới 400 năm để phân hủy là một trong những vấn đề nan giải nhất đối với các nhà khoa học và người bảo vệ môi trường

Vô tình phát hiện

Đó là một loại enzyme đã được các nhà khoa học thuộc trường ĐH Portsmouth (Anh) và Phòng Thí nghiệm quốc gia về Năng lượng tái tạo của Bộ Năng lượng Mỹ (NREL) tìm ra trong quá trình nghiên cứu cấu trúc một loại enzyme tự nhiên được phát hiện tại một cơ sở tái chế chất thải vài năm về trước. Loại enzyme này lẫn ở trong đất và có khả năng “ăn” được (phân hủy) các loại chai, lọ bằng nhựa - loại rác thải mà hiện nay con người đã và đang xả quá nhiều ra môi trường mà chưa có giải pháp để phân hủy chúng.

Loại enzyme này được đặt tên là Indeonella sakaiensis 201-F6, nó có khả năng tiêu hủy dần polyethylene terephthalate, PET, hợp chất nhựa tổng hợp có đặc tính dẻo được con người bắt đầu sử dụng từ thập niên 40 của thế kỷ trước để sản xuất hàng triệu tấn chai, lọ, đồ bằng nhựa từ đó đến nay.

Ban đầu, các nhà khoa học với mục tiêu chỉ tìm hiểu về cấu trúc của loại enzyme trên trong môi trường tự nhiên, nhưng sau đó họ phát triển nghiên cứu của mình bởi phát hiện ra loại enzyme này có thể làm tan rã cấu trúc của các chai nhựa làm từ PET.

“Bước đầu, chúng tôi chỉ xác định mục tiêu là tìm ra cấu trúc của nó để hỗ trợ phát triển một loại protein, nhưng chúng tôi đã đi xa hơn khi vô tình phát hiện enzyme này có khả năng tăng cường trong việc bẻ gãy các cấu trúc từ nhựa PET. Và chỉ sau 96 giờ, chúng ta có thể thấy rõ ràng cấu trúc của PET đã bị bẻ gãy và dần dần bị tiêu hủy”, Gregg Beckham, người đứng đầu nhóm nghiên cứu từ NREL cho biết.

“Ăn” nhựa chỉ trong vài ngày

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng tia X-quang để tạo ra một hình mẫu 3D có độ phân giải cực cao của enzyme này để xác định được nhờ bộ phận nào mà enzyme trên có thể phân hủy được nhựa PET, trong khi việc tìm ra nó lại rất ngẫu nhiên. Thông qua việc xác định cách thức hoạt động của enzyme các nhà khoa học đã phát triển nó một cách hiệu quả hơn và đột biến hơn trong việc xử lý rác thải nhựa một cách dễ dàng và tự nhiên nhất.

“Việc có thể xác định được cơ chế hoạt động bên trong enzyme cho phép chúng tôi tạo ra một loại enzyme hiệu quả và hoạt động nhanh hơn”, Giáo sư McGeeham Trưởng nhóm nghiên cứu từ ĐH Portsmouth cho biết.

Kết quả nghiên cứu trên của các nhà khoa học Anh, Mỹ đã mang lại những tín hiệu tích cực cho nhân loại khi mà hàng năm có hàng triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra các đại dương, và cả trên đất liền. Hầu hết, các loại chai nhựa này cần hàng trăm năm mới có thể tự phân hủy trong môi trường tự nhiên. Do đó, “enzyme mới được phát hiện thật đáng kinh ngạc, bởi các loại nhựa thông thường cần tới khoảng 400 năm để phân hủy. Tuy nhiên, với công nghệ sử dụng loại enzyme này có thể chúng ta chỉ cần vài ngày có thể phân hủy các loại sản phẩm từ nhựa PET”, Giáo sư McGreeham cho biết thêm.

Nhưng trên thực tế, chúng ta cần phải có một quá trình rất dài để giải quyết số lượng rác thải nhựa từ môi trường. Giải pháp thì ít nhưng người dùng vứt bỏ rác thải nhựa ra môi trường ngày càng nhiều hơn và khó kiểm soát, nên việc phát hiện loại enzyme mới trên được cho là niềm hy vọng giải quyết được nạn ô nhiễm rác thải nhựa.

Trần Biên (Theo CNN/ScienceAlert)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/phat-hien-enzyme-an-nhua-lam-giam-o-nhiem-moi-truong/768456.antd