Phát hiện gene làm tăng gấp đôi nguy cơ bệnh COVID-19 trở nặng

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Warsaw (Ba Lan). Ảnh: PAP/TTXVN

* Thêm bằng chứng chứng minh độ hiệu quả của khẩu trang trong chống dịch

Các nhà khoa học Đại học Y Bialystok của Ba Lan đã phát hiện một gene được cho là có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ bệnh COVID-19 trở nặng. Phát hiện này sẽ giúp các bác sĩ xác định người có nguy cơ nhất khi mắc COVID-19.

Trong bối cảnh thái độ do dự đi tiêm là một nhân tố chính đằng sau tỉ lệ tử vong cao ở khu vực Trung và Đông Âu, các nhà nghiên cứu hy vọng việc xác định được những người có nguy cơ cao nhất sẽ khuyến khích họ đi tiêm và tạo điều kiện cho họ có nhiều lựa chọn điều trị tích cực hơn khi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cho biết: “Sau hơn một năm rưỡi nghiên cứu đã có thể xác định một gene khiến bệnh COVID-19 trở nặng. Điều này có nghĩa là trong tương lai, chúng ta sẽ có thể xác định được người có khuynh hướng mắc COVID-19 nặng”.

Các nhà khoa học phát hiện rằng gene này là nhân tố quan trọng thứ tư, xác định mức độ nghiêm trọng khi một người mắc COVID-19, sau độ tuổi, cân nặng và giới tính.

Người phụ trách nghiên cứu, Giáo sư Marcin Moniuszko cho biết gene này xuất hiện trong khoảng 14% dân số Ba Lan, 8-9% dân số toàn châu Âu, 27% dân số Ấn Độ. Nhiều nghiên cứu khác cũng đã cho thấy tầm quan trọng của các nhân tố di truyền trong biến chuyển của bệnh COVID-19.

Tháng 11/2020, các nhà khoa học Anh cũng đã xác định một gene có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ viêm phổi nặng do mắc COVID-19.

* Hiệu quả của khẩu trang đã trở thành đề tài được thảo luận sôi nổi kể từ khi dịch COVID-19 lần đầu bùng phát.

Một nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học tại Đại học Central Florida (Mỹ) tiến hành đã cung cấp thêm bằng chứng chứng minh độ hiệu quả của khẩu trang trong việc phòng chống dịch bệnh.

Theo kết quả nghiên cứu, việc đeo khẩu trang giúp giảm đến hơn 50% khoảng cách mà mầm bệnh có thể di chuyển trong không khí do việc nói hoặc ho, so với khi không đeo khẩu trang.

Phát hiện này rất quan trọng vì các mầm bệnh virus trong không khí, chẳng hạn như virus SARS-CoV-2, có thể nằm bên trong và được truyền qua các giọt bắn hoặc aerosol - những giọt bắn li ti hòa lẫn trong không khí, được hình thành trong hoạt động hô hấp của con người như nói và ho.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các công cụ chuyên dụng nghiên cứu hạt chất lỏng được truyền trong không khí để đo khoảng cách giọt bắn và aerosol từ mọi hướng có thể, khi diễn ra hoạt động nói và ho. Qua đó xác định được đặc điểm, tác động và hướng của các giọt bắn trong không khí.

Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 14 người, gồm 11 nam và 3 nữ, tuổi từ 21-31. Mỗi người tham gia đọc một cụm từ và mô phỏng một cơn ho trong vòng 5 phút, ở trong 3 bối cảnh: khi không đeo khẩu trang, khi đeo khẩu trang vải và khi đeo khẩu trang y tế 3 lớp dùng một lần.

Kết quả cho thấy cả khẩu trang vải lẫn khẩu trang y tế đều có tác dụng giảm khoảng cách của giọt bắn. Cụ thể, đeo khẩu trang vải giúp giảm gấp đôi khoảng cách giọt bắn di chuyển, còn đeo khẩu trang y tế giúp giảm xấp xỉ 2,5 lần khoảng cách giọt bắt di chuyển so với lúc không đeo khẩu trang.

Nghiên cứu này bắt nguồn từ ý tưởng nghiên cứu về động cơ phản lực, cũng do nhóm các nhà khoa học này thực hiện, vì theo nhóm này, cơ chế của động cơ phản lực và hoạt động ho hay nói đều tương tự như nhau. Trong thời gian tới, nhóm nhà khoa học này hy vọng có thể mở rộng quy mô nghiên cứu với sự tham gia của nhiều người hơn, giúp tăng độ đa dạng và chính xác.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/269815/phat-hien-gene-lam-tang-gap-doi-nguy-co-benh-covid-19-tro-nang.html