Phát hiện hành động chữa lành chưa từng thấy của đười ươi

Một con đười ươi Sumatra đã dùng nhựa và lá của cây thuốc trong tự nhiên để tự chữa vết thương sau cuộc ẩu đả với con khác, CBS News đưa tin hôm 2/5.

Trong chuyến nghiên cứu khu vực rừng mưa được bảo tồn ở Indonesia, các nhà khoa học đã phát hiện con đười ươi Sumatra đực - tên là Rakus - nhổ và nhai vài chiếc lá của cây dây leo Akar Kuning (tên khoa học là Fibraurea tinctoria). Loài thực vật này thường được cư dân Đông Nam Á sử dụng để giảm đau, kháng viêm.

Sau đó, con đười ươi trưởng thành dùng tay bôi phần nước tiết ra từ lá cây lên vết thương hở trên mặt. Năm ngày sau, vết thương liền lại, chỉ còn vết sẹo nhỏ, theo Scientific Reports.

Đây là ví dụ mới nhất về cách một số loài động vật cố gắng xoa dịu vết thương bằng phương thuốc tự nhiên, song các nhà khoa học chưa từng thấy loài động vật nào tự xử lý theo cách này trước đây.

Hành động tự bôi thuốc lên vết thương của đười ươi khiến các nhà khoa học kinh ngạc. Ảnh: Saidi Agam/Suaq Project/PA.

Trước đó, đười ươi Borneo và tinh tinh cũng dùng lá cây, côn trùng để trị vết thương, giảm đau và loại bỏ ký sinh trùng trong dạ dày, nhưng không giống trường hợp gần đây.

"Tinh tinh sử dụng côn trùng và không may là chưa thể biết chúng có hiệu quả hay không. Còn đười ươi Sumatra đã sử dụng loại cây có đặc tính y học", tiến sĩ Caroline Schuppli, tác giả nghiên cứu tại Viện Max Planck về hành vi động vật (Đức), nói với The Guardian.

Quan sát đười ươi ở Vườn quốc gia Gunung Leuser (Indonesia) từ năm 1994, đồng nghiệp của tiến sĩ Schuppli là nhà sinh vật học Isabelle Laumer bổ sung: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một loài động vật hoang dã bôi trực tiếp loại cây có đặc tính khá mạnh vào vết thương hở". Theo một bản tin được viện nghiên cứu công bố, loại cây này hiếm được đười ươi ăn.

Vết thương trên mặt của đười ươi. Ảnh: Armas/Suaq Foundation.

Trong khi đó, nhà sinh vật học Jacobus de Roode của Đại học Emory (Mỹ) - người không tham gia nghiên cứu - nhận định phát hiện trên chỉ là quan sát đơn lẻ nhưng có thể tạo tiền đề cho các nghiên cứu sâu hơn về hành vi mới của loài vật.

"Đó có thể là cách tự dùng thuốc", Jacobus đặt giả thuyết khi để ý đười ươi chỉ bôi thuốc vào vết thương chứ không phải bộ phận nào khác trên cơ thể.

Từ đây, tiến sĩ Caroline Schuppli cho rằng nó đã học kỹ thuật này từ những con đười ươi khác sống ngoài công viên và tầm nhìn của nhà nghiên cứu. Ngoài ra, việc sử dụng thực vật để trị vết thương có thể "nảy sinh từ tổ tiên chung giữa con người và đười ươi”.

Mai Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/phat-hien-hanh-dong-chua-lanh-chua-tung-thay-cua-duoi-uoi-post1473604.html