Phát hiên hố đen khổng lồ 'lang thang' trong không gian

Các hố đen siêu lớn thường sẽ giống như một động cơ tĩnh tại trung tâm của thiên hà, hút lấy mọi thứ xung quanh chúng.

Tuy nhiên, hiện các nhà thiên văn học đã phát hiện thấy một trường hợp rất bất thường về hố đen đi “lang thang” trong không gian. Trước đây, người ta tin rằng có thể vẫn tồn tại các hố đen siêu lớn đang di chuyển, nhưng để chứng minh cho giả thuyết đó là rất khó.

Dominic Pesce, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard & Smithsonian, đã hợp tác với các nhà khoa học để quan sát 10 thiên hà xa xôi và hố đen siêu lớn ở trung tâm của mỗi hệ trong 5 năm qua.

Pesce - tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi không mong đợi các siêu hố đen sẽ di chuyển vì thông thường chúng sẽ chỉ nằm yên một chỗ". "Chúng quá nặng. Có thể ví như việc bạn đá một trái bóng bowling sẽ khó hơn nhiều so với việc đá một trái banh – và trong trường hợp này, “trái bowling” đó có khối lượng gấp vài triệu lần Mặt Trời của chúng ta. “Điều này sẽ đòi hỏi một cú đá khá mạnh”.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh vận tốc của cả thiên hà và siêu hố đen trong chiến dịch quan sát để kiểm tra xem có sự tương đồng nào hay không. "Chúng tôi hy vọng chúng có cùng vận tốc. Nếu như không, nghĩa là đã xảy ra sự xáo trộn nào đó với hố đen” Pesce nói.

Các nhà nghiên cứu tập trung vào các hố đen có chứa nước như một thành phần trong đĩa bồi tụ của chúng. Khi đó, nó sẽ tạo ra một dấu hiệu ánh sáng vô tuyến được gọi là maser, trông hơi giống tia laser.

Tín hiệu này có thể được sử dụng để đo vận tốc của hố đen thông qua mạng ăng-ten vô tuyến được các nhà thiên văn học sử dụng.

Và trong khi chín hố đen siêu lớn đứng yên, có một hố dường như đang di chuyển. Nó cách Trái Đất 230 triệu năm ánh sáng và có thể được tìm thấy ở trung tâm của một thiên hà được gọi là J0437 + 2456. Hố đen siêu lớn có khối lượng gấp 3 triệu lần Mặt Trời, và nó đang di chuyển với vận tốc khoảng 177.000 km/h trong thiên hà.

Thiên hà J0437+2456 - nơi chứa siêu hố đen đang di chuyển. Ảnh: Sloan Digital Sky Survey

Thiên hà J0437+2456 - nơi chứa siêu hố đen đang di chuyển. Ảnh: Sloan Digital Sky Survey

Các nhà khoa học không rõ lý do gì khiến hố đen di chuyển, tuy nhiên có hai ý tưởng về vấn đề này. “Chúng tôi có thể đang quan sát kết quả của việc hợp nhất hai siêu hố đen”, đồng tác giả nghiên cứu Jim Condon, nhà thiên văn học tại Đài quan sát thiên văn vô tuyến quốc gia ở Virginia, cho biết. "Kết quả của sự hợp nhất như vậy có thể khiến cho hố đen mới chuyển động giật lùi”.Tuy nhiên, cũng có thể hố đen là một cặp trong thiên hà.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, cần phải tiếp tục tiến hành những quan sát trong tương lai để tìm ra nguyên nhân đằng sau hành trình chuyển động xuyên không gian của hố đen này.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Vật lý Thiên văn.

Minh Huyền (Theo CNN)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/phat-hien-ho-den-khong-lo-lang-thang-trong-khong-gian-102776.html