Phát hiện hơn 4.000 ngoại hành tinh

Trong gần 30 năm, nhân loại đã phát hiện hơn 4.000 'thế giới lạ ngoài vũ trụ', trong đó 3.000 'thế giới' được phát hiện trong 6 năm gần đây.

Dải Ngân hà chứa hơn 4.000 ngoại hành tinh.

Dải Ngân hà chứa hơn 4.000 ngoại hành tinh.

Cách đây chưa lâu - vào đầu những năm 90 thế kỷ XX - nhân loại chưa biết đến bất kỳ hành tinh nào bên ngoài Hệ Mặt trời. Khi đó, thậm chí một số nhà thiên văn học cho rằng các hệ thống hành tinh như Hệ Mặt trời có thể là rất hiếm hoi.

Trong thời gian đó, người ta còn nghĩ rằng việc phát hiện những hành tinh nhẹ và nhỏ (so với các ngôi sao chủ) có thể còn ở ngoài tầm với của công nghệ.

Bước đột phá xảy ra vào năm 1992, khi nhà thiên văn học người Ba Lan Aleksander Wolszczan thông báo về sự tồn tại các đối tượng hành tinh quay xung quanh sao xung (pulsar) PSR B1257+12.

Trong những năm tiếp theo, nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới thông báo về phát hiện ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt trời).

Điều đáng chú ý là, rất nhanh chóng, các nhà khoa học thấy rằng hình dung về các hệ hành tinh là sai lầm. Vào những năm 90 thế kỷ trước, phần lớn các ngoại hành tinh có những đặc điểm rất “kỳ cục” – đó là những hành tinh khí khổng lồ quay xung quanh các ngôi sao chủ. Những đối tượng này được gọi là “những sao Mộc nóng”.

Hiện nay, đa số ngoại hành tinh đã biết cũng là “sao Mộc nóng”. Một số “sao Mộc nóng” quay xung quanh sao chủ chỉ hết vài chục giờ.

Sau “sao Mộc nóng” là đến thời của các “sao Hải vương nóng”. Đó là các ngoại hành tinh khí ít đồ sộ hơn. Cùng với thời gian, người ta bắt đầu phát hiện các ngoại hành tinh khá giống với các hành tinh trong Hệ Mặt trời – đầu tiên là các “ứng viên” sao Mộc và sao Thổ.

Thậm chí xuất hiện cả một loại ngoại hành tinh được gọi là “siêu Trái đất”. Đây là những ngoại hành tinh to hơn Trái đất nhưng nhỏ hơn sao Hải vương. Những điều kiện môi trường trên nhiều ngoại hành tinh vẫn còn là ẩn số - đó có thể là các hành tinh khí khổng lồ bị mất lớp vỏ ngoài ổn định, hoặc có thể là những hành tinh được bao phủ bởi đại dương sâu vài chục kilomet.

Những điều kiện môi trường trên nhiều ngoại hành tinh vẫn còn là ẩn số - đó có thể là các hành tinh khí khổng lồ bị mất lớp vỏ ngoài ổn định, hoặc có thể là những hành tinh được bao phủ bởi đại dương sâu vài chục kilomet. Ngày nay chúng ta biết rằng 1/3 số ngoại hành tinh là “những thế giới nước”.

Trong những năm gần đây, các nhà thiên văn học quan sát số lượng các ngoại hành tinh tăng đột biến. Có được điều này là nhờ các chương trình quan sát chuyên sâu, trong đó có các sứ mệnh vũ trụ (chẳng hạn sứ mệnh kính viễn vọng không gian Kepler hoặc TESS) cũng như những tiến bộ trong kỹ thuật quan sát.

Tiến bộ công nghệ trong 2 thập kỷ gần đây cũng đóng vai trò quan trọng – ngày nay chúng ta đã phát hiện được những ngoại hành tinh nhỏ hơn Trái đất. Trong những năm tới, vệ tinh của các ngoại hành tinh cũng có thể sẽ được phát hiện.

Cùng với các phát hiện ngoại hành tinh, cách nhìn nhận đối với vũ trụ của chúng ta cũng thay đổi. Ngày nay chúng ta biết rằng, hàng tỷ đối tượng hành tinh quay xung quanh các ngôi sao hoặc di chuyển đơn độc trong các thiên hà.

Chúng ta cũng biết rằng - trong khu vực có thể sống được (tức là khu vực có thể có nước ở trạng thái lỏng), có những ngoại hành tinh với kích thước không quá khác xa so với kích thước Trái đất. Những ngoại hành tinh được gọi là “Trái đất thứ hai” cũng đã được phát hiện, ngay trong lân cận Hệ Mặt trời.

Theo Nauka

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/phat-hien-hon-4000-ngoai-hanh-tinh-4027193-b.html