Phát hiện loài sóc mới ở Cà Mau, các nhà khoa học Nhật Bản phải thốt lên dễ thương

Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã phối hợp phát hiện một loài sóc mới ở Cà Mau và công bố trên tạp chí khoa học uy tín.

Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái Tài nguyên Sinh vật, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Học viện Khoa học và công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), phối hợp cùng các nhà khoa học từ Đại học Kyoto và Đại học Obihiro (Nhật Bản) đã phát hiện một loài sóc mới cho khoa học và công bố trên Journal of Mammalogy (Volume 99, Issue 4, 13 August 2018, Pages 813–825).

Loài mới được đặt tên là Sóc cây hòn khoai (Hon Khoai squirrel), tên khoa học Callosciurus honkhoaiensis.

Loài sóc mới trên tạp chí của Nhật Bản

Mẫu chuẩn (Holotype) của loài sóc mới này được thu tại Đảo Hòn Khoai, thuộc Tỉnh Cà Mau, miền Nam Việt Nam. Mẫu hiện đang được lưu giữ tại Phòng động vật học có xương sống, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, với số hiệu IEBR-M-6439.

So sánh với các loài sóc cùng giống khác ở khu vực bán đảo Đông Dương thì loài Sóc cây hòn khoai có kích thước nhỏ hơn các loài sóc thuộc giống Callosciurus, đặc biệt là ở chiều dài cơ thể và kích thước hộp sọ. Về đặc điểm hình thái, Loài sóc cây hòn khoai khác với những loài sóc cây thuộc giống Callosciurus bởi có lông ở chóp đuôi màu trắng.

Cho đến thời điểm hiện tại, Sóc cây hòn khoai mới chỉ được ghi nhận tại đảo Hòn Khoai, và cần tiếp tục điều tra để đánh giá vùng phân bố của loài ở các đảo khu vực phía Nam Việt Nam, đồng thời có những đánh giá tiếp theo về số lượng quần thể của loài trên đảo để có những giải pháp bảo tồn loài cho phù hợp với điều kiện của đảo, cũng như loài có thể trở thành loài đặc hữu mà chỉ ghi nhận được ở Đảo Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau.

Nguồn tin: Viện KHCN Việt Nam

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/phat-hien-loai-soc-moi-o-ca-mau-cac-nha-khoa-hoc-nhat-ban-phai-thot-len-de-thuong-d11581.html