Phát hiện loại vi khuẩn lớn nhất thế giới

Các nhà khoa học đã phát hiện vi khuẩn lớn nhất thế giới với hình dáng sợi trắng có kích cỡ như lông mi người. Vi khuẩn này được tìm thấy tại một đầm lầy ở Guadeloupe, Pháp.

Có chiều dài khoảng 1 cm, vi khuẩn Thiomargarita magnifica lớn gấp 50 lần so với các loại vi khuẩn đã biết khác và cũng là vi khuẩn đầu tiên có thể nhìn thấy bằng mắt thường, theo Guardian hôm 23/6.

Vi khuẩn dạng sợi trắng và thon mảnh này được phát hiện trên bề mặt lá cây đước đang mục rữa tại khu vực đầm lầy nông của biển nhiệt đới.

 Vi khuẩn Thiomargarita magnifica được phát hiện trên bề mặt lá cây đước đang mục rữa tại khu vực đầm lầy nông của biển nhiệt đới. Ảnh: Vollard et al.

Vi khuẩn Thiomargarita magnifica được phát hiện trên bề mặt lá cây đước đang mục rữa tại khu vực đầm lầy nông của biển nhiệt đới. Ảnh: Vollard et al.

Phát hiện này đáng ngạc nhiên vì theo mô hình trao đổi chất tế bào, vi khuẩn sẽ không lớn đến mức như trên. Trước đó, các nhà khoa học cho rằng kích cỡ tối đa của vi khuẩn sẽ ở mức nhỏ hơn 100 lần so với Thiomargarita magnifica.

“Để dễ hiểu thì nó như là việc một người chạm mặt một người khác cao như đỉnh Everest”, Jean-Marie Volland, nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley và là đồng tác giả của nghiên cứu.

Loại vi khuẩn mới do ông Olivier Gros, giáo sư sinh học biển thuộc Đại học Antilles của Pháp ở Guadeloupe, phát hiện trong lúc đang tìm kiếm vi khuẩn cộng sinh trong hệ sinh thái của đước.

Kết quả phân tích tại phòng thí nghiệm cho thấy các sợi này là tế bào đơn và có cấu trúc trong khác thường. Hầu hết vi khuẩn có ADN tự do trôi nổi bên trong tế bào, nhưng Thiomargarita magnifica lưu giữ ADN ở khắp tế bào trong các ngăn được bao bọc bằng một lớp màng.

Thiomargarita magnifica cũng chứa đựng số gene nhiều gấp 3 lần so với hầu hết vi khuẩn cùng hàng trăm nghìn bản sao bộ gene. Điều này khiến nó có cấu trúc phức tạp khác thường.

Các nhà khoa học chưa chắc chắn về nguyên nhân loại vi khuẩn này có thể lớn như vậy. Một giả thuyết là Thiomargarita magnifica đã thích ứng để tránh trở thành con mồi. Tuy nhiên, kích cỡ lớn cũng khiến vi khuẩn mất đi một số lợi thế thường thấy như có thể di chuyển tự do và sống ở các môi trường ngách.

Thiomargarita magnifica chưa được tìm thấy ở địa điểm khác và cũng đã biến mất khỏi nơi phát hiện ban đầu trong lần các nhà khoa học quay lại gần đây, có lẽ là vì chúng thuộc dạng sinh vật theo mùa.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-hien-loai-vi-khuan-lon-nhat-the-gioi-post1329297.html