Phát hiện mỏ đất hiếm lớn, châu Âu kỳ vọng thoát phụ thuộc vào Trung Quốc

Trong tuần qua, một công ty khai khoáng nhà nước Thụy Điển cho biết vừa phát hiện thấy một trữ lượng đất hiếm lớn nhất ở châu Âu từ trước đến nay. Thông tin đó lập tức gây phấn chấn cho các quan chức châu Âu vì họ kỳ vọng sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nước đang cung cấp hầu hết các kim loại đất hiếm cho khu vực này.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Kinh doanh và Công nghiệp Thụy Điển Ebba Busch (phải) ví việc phát hiện ra trữ lượng đất hiếm khổng lồ của LKAB chẳng khác nào tìm thấy “một mỏ vàng”. Ảnh: Postsen

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Kinh doanh và Công nghiệp Thụy Điển Ebba Busch (phải) ví việc phát hiện ra trữ lượng đất hiếm khổng lồ của LKAB chẳng khác nào tìm thấy “một mỏ vàng”. Ảnh: Postsen

Hôm 12-1, LKAB, công ty khai khoáng thuộc sỡ hữu nhà nước Thụy Điển thông báo phát hiện trữ lượng đất hiếm được cho là lớn nhất ở châu Âu tính đến nay. Trữ lượng đất hiếm này nằm ở thành phố Kiruna, vùng cực bắc của Thụy Điển, bao gồm hơn một triệu tấn quặng oxide đất hiếm.

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 khoáng sản kim loại đóng vai trò rất quan trọng đối với các công nghệ tiên tiến được sử dụng ở xe điện và tuốc-bin gió cũng như hàng loạt thiết bị điện tử khác. Nhu cầu các kim loại đất hiếm đang tăng vọt khi thế giới cần để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong bài phát biểu hồi tháng 9-2022 khi đề cập đến đề xuất xây dựng Đạo luật các nguyên thô quan trọng nhằm giảm phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen cho biết, các kim loại đất hiếm cùng với lithium, thành phấn quan trọng của pin xe điện, sẽ “sớm đóng vai trò quan trọng hơn dầu thô và khí đốt”.

Liên minh châu Âu (EU) dự đoán nhu cầu các kim loại này sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030.

Phát hiện trên có thể mở ra triển vọng các kim loại đất hiếm được khai thác và chế biến ở châu Âu trong bối cảnh khu vực này ngày càng lo ngại về sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Đây là một tin tốt, không chỉ đối với LKAB và người dân Thụy Điển, mà còn đối với châu Âu và khí hậu”, Jan Mostrom, Giám đốc điều hành của LKAB nói.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Kinh doanh và Công nghiệp Thụy Điển Ebba Busch ví phát hiện này chẳng khác nào tìm thấy “một mỏ vàng”

“Khả năng tự cung tự cấp kim loại đất hiếm và thoát khỏi sự phụ thuộc của EU vào Nga và Trung Quốc sẽ bắt đầu tại trữ lượng đất hiếm mới phát hiện này”, bà nói.

LKAB ước tính, trữ lượng đất hiếm trên có thể “đáp ứng phần lớn nhu cầu trong tương lai của EU” đối với các kim loại đất hiếm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là mất bao lâu để có thể bắt đầu khai thác trữ lượng đất hiếm khổng lồ mà LKAB vừa phát hiện.

LKAB cho biết, có thể mất từ 10 -15 năm hoặc lâu hơn nữa hơn trước khi kim loại đất hiếm ở Kiruna được đưa ra thị trường do tốn rất nhiều thời gian để hoàn tất nghiên cứu tác động môi trường và các thủ tục cần thiết khác để được phép vận hành một mỏ khai khoáng ở châu Âu.

Trung Quốc đang kiểm soát ngành công nghiệp đất hiếm toàn cầu, không chỉ trong lĩnh vực khai thác mà còn trong quá trình xử lý phức tạp đối các khoáng chất đất hiếm, có thể tạo ra chất gây ô nhiễm phóng xạ. Nga cũng là nước đi đầu trong việc hoạt động khai thác đất hiếm.

Với nhu cầu chuyển đổi xanh nền kinh tế mạnh mẽ nhằm giảm phát thải khí nhà kính, cả châu Âu và Mỹ đang sốt sắng phát triển các nguồn đất hiếm. Điều đáng lo ngại là vị trí thống trị của Trung Quốc mang lại cho Bắc Kinh đòn bẩy trong việc định giá các kim loại đất hiếm cũng như khả năng bóp nghẹt nguồn cung cho các đối thủ. Năm 2010, Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong hai tháng vì tranh cãi chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ross Embleton, nhà phân tích tại hãng tư vấn Wood Mackenzie, cho biết biết trữ lượng đất hiếm mà LKAB mới phát hiện thực sự có quy mô đáng kể. Tuy nhiên, ông lưu ý trừ khi các thủ tục cấp phép của châu Âu có thể được rút ngắn theo cách mà các nhà đầu tư có trách nhiệm có thể chấp nhận được, trữ lượng đất hiếm này khó có thể sớm tạo ra sự khác biệt lớn đối với bức tranh nguồn cung toàn cầu.

“Với các tài sản đất hiếm ở châu Âu, lộ trình phát triển thực sự bị cản trở bởi quy trình cấp phép nhiêu khê này”, ông nói.

Hiện nay, không có hoạt động khai thác đất hiếm quy mô lớn nào ở EU, một phần là do các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc xin cấp phép cho các mỏ khai thác và cơ sở sản xuất mới để tinh chế quặng đất hiếm.

Các lãnh đạo của LKAB đang theo đuổi một quy trình chặt chẽ nhằm cung cấp cho Bắc Âu cả khả năng khai thác lẫn chế biến đất hiếm. “Chúng tôi muốn tạo ra toàn bộ chuỗi giá trị”, David Hognelid, Giám đốc chiến lược của LKAB nói.

Để đạt được mục tiêu đó, LKAB gần đây đã trở thành cổ đông lớn nhất của REEtec, một công ty Na Uy chuyên tách các kim loại đất hiếm như neodymium, được sử dụng để tạo ra nam châm cực mạnh. Kế hoạch của LKAB là để REEtec, công ty có công nghệ thân thiện với môi trường hơn các quy trình cũ, xây dựng một nhà máy chế biến đất hiếm ở Thụy Điển.

Tuy nhiên, trước khi xây dựng nhà máy, ông Hognelid cho biết LKAB phải đánh giá thêm các nguồn tài nguyên vừa phát hiện. Đất hiếm được tìm thấy trong các mỏ quặng sắt ở phía bắc Thụy Điển. LKAB đã có sẵn một mỏ quặng sắt lớn gần Kiruna, có trữ lượng đất hiếm ít hơn so với trữ lượng mới tìm thấy. Công ty cho biết đang chuẩn bị xây dựng một đường hầm dài vài kilomet từ mỏ quặng sắt này đến khu vực chứa trữ lượng đất hiếm mới để đánh giá thêm các nguồn tài nguyên ở đó.

“Nền kinh tế ở Kiruna đã dựa vào ngành công nghiệp khai khoáng trong hơn một thế kỷ nhưng hoạt động khai thác mới cần phải được cân bằng với các lợi ích khác”, David Hognelid nói.

Các lợi ích khác mà ông đề cập đến bao gồm bảo tồn các khu vực có vẻ đẹp tự nhiên và bảo vệ đàn tuần lộc trong khu vực sinh sống của người dân tộc thiểu số Sami.

Các trữ lượng đất hiếm ở Greenland, một quốc gia tự trị của Vương quốc Đan Mạch, đã thu hút sự quan tâm của ngành công nghiệp khai khoáng. Dù vậy, một công ty Trung Quốc đã bị cấm vận hành một mỏ khai thác đất hiếm trên hòn đảo này do chính quyền địa phương lo ngại rủi ro ô nhiễm môi trường.

LKAB hy vọng, nhu cầu ngày càng tăng của kim loại đất hiếm và tính cấp thiết của việc phát triển đất hiếm ở châu Âu sẽ giúp công ty sớm được cấp phép cho mỏ khai thác đất hiếm mới. “Nếu không có mỏ đất hiếm mới ở châu Âu, xe điện khó phổ cập nhanh chóng”, Jan Mostrom, Giám đốc điều hành của LKAB nói.

Theo New York Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phat-hien-mo-dat-hiem-lon-chau-au-ky-vong-thoat-phu-thuoc-vao-trung-quoc/