Phát hiện mới thú vị về một 'sát thủ' đặc biệt trong kỷ Cambri

Anomalocaris canadensis, loài thú săn mồi được đánh giá là 'nguy hiểm nhất' của kỷ Cambri, có xu hướng săn những con mồi thân mềm hơn là loài giáp xác có vỏ cứng.

Hình ảnh phục dựng loài Anomalocaris canadensis. (Nguồn: Phys.Org)

Các nhà nghiên cứu thuộc bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ vừa có phát hiện thú vị về xu hướng săn mồi của những loài động vật ăn thịt đầu bảng của kỷ Cambri.

Các nghiên cứu cơ sinh học về phần chi trước của Anomalocaris canadensis - một loài săn mồi đã tuyệt chủng - cho thấy loài động vật biển với chiều dài khoảng 60cmcó những đặc điểm khác biệt nhiều so với các giả thuyết trước đây.

Anomalocaris canadensis là một trong những loài động vật lớn nhất sống ở kỷ Cambri. Chúng khá nhanh nhẹn, thường thích lao theo để bắt những con mồi thân mềm sinh sống tại các vùng biển rộng lớn, thay vì tìm bắt các sinh vật có vỏ cứng nằm dưới đáy đại dương.

Kết quả nghiên cứu mới đã được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society.

Anomalocaris canadensis lần đầu tiên được phát hiện vào cuối những năm 1800. Cái tên khoa học này có nghĩa "con tôm kỳ lạ từ Canada" trong tiếng Latin.

Anomalocaris canadensis lâu nay vẫn được cho là nguyên nhân khiến một số con bọ ba thùy bị dập nát phần vỏ ngoài. Nhiều hóa thạch bọ ba thùy nát vỏ đã được các nhà khoa học tìm thấy.

Russell Bicknell, một nhà nghiên cứu thuộc Bộ phận Cổ sinh vật học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, cho biết: “Tôi thấy nhận định (Anomalocaris canadensis là thủ phạm) thật vô lý, bởi vì bọ ba thùy có bộ xương ngoài rất rắn chắc. Về cơ bản nó có phần vỏ rắn như đá vậy. Trong khi loài Anomalocaris canadensis lại có cơ thể khá mềm và nhão.”

Một số nghiên cứu gần đây về phần miệng hình vòng tròn và lớp giáp ngoài của Anomalocaris canadensis đã đặt ra nghi vấn về khả năng xử lý thức ăn cứng của loài vật này.

Nghiên cứu mới nhất cũng đang tìm hiểu xem liệu các phần “chi” dài và có gai thò ra phía trước thân của Anomalocaris canadensis có thể được dùng để hỗ trợ việc tấn công và ăn các động vỏ cứng hay không.

Bước đầu tiên mà nhóm nghiên cứu, gồm các nhà khoa học từ Đức, Trung Quốc, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Australia cùng thực hiện, là tái tạo hình ảnh 3 chiều (3D) của Anomalocaris canadensis từ mẫu hóa thạch được bảo quản cực kỳ tốt của loài động vật này.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ hiện đại để chứng minh rằng các phần chi phụ của con vật có thể được dùng để tóm lấy con mồi.

Một kỹ thuật giả lập mô hình, được gọi là phân tích phần tử hữu hạn, đã được sử dụng để chỉ ra các điểm căng và bị kéo giãn khi Anomalocaris canadensis thực hiện hành vi bám chặt. Hoạt động giả lập cho thấy phần chi của Anomalocaris canadensis sẽ bị hư hại nếu nó tóm lấy con mồi cứng như bọ ba thùy.

Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng nguyên tắc động lực học chất lỏng để đặt mô hình 3D của Anomalocaris canadensis trong một dòng chảy ảo, nhằm dự đoán vị trí cơ thể mà nó có thể sử dụng khi bơi.

Sự kết hợp của các kỹ thuật nêu trên đã vẽ nên một bức tranh rất khác về Anomalocaris canadensis so với các giả thuyết trước đây mà giới nghiên cứu sinh vật cổ đại đưa ra.

Theo đó, loài thú săn mồi này có khả năng là một “vận động viên” bơi lội tốc độ, có khả năng lao theo con mồi trong nước, với phần chi trước luôn vươn ra để tóm lấy các con mồi thân mềm./.

Phú Thụy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phat-hien-moi-thu-vi-ve-mot-sat-thu-dac-biet-trong-ky-cambri/887170.vnp