Phát hiện mới về 'bão cytokine' giúp giảm ca tử vong vì Covid-19

Trong một cơn bão cytokine, phản ứng miễn dịch quá mức tàn phá các mô phổi khỏe mạnh, dẫn đến suy hô hấp cấp tính và suy đa tạng.

Theo trang Vox, các nghiên cứu quan trọng nổi lên từ Trung Quốc - nơi khởi phát dịch Covid-19, cho thấy đối với nhiều bệnh nhân tử vong vì virus corona, nguyên nhân có thể xuất phát từ hệ thống miễn dịch của chính họ, chứ không phải là virus, dẫn tới tử vong. Điều này được gọi là “cơn bão cytokine”.

Trong một cơn bão cytokine, phản ứng miễn dịch quá mức tàn phá các mô phổi khỏe mạnh, dẫn đến suy hô hấp cấp tính và suy đa tạng. Không được điều trị, hội chứng bão cytokine thường gây tử vong. Bệnh nhân trong các nghiên cứu khác - những người nảy sinh hội chứng bão cytokine sau khi kích hoạt virus thường bị khiếm khuyết miễn dịch di truyền không dễ phát hiện dẫn đến phản ứng miễn dịch không được kiểm soát.

 Khu chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19 tại Lìege, Bỉ. Ảnh: AP.

Khu chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19 tại Lìege, Bỉ. Ảnh: AP.

Nắm bắt bão cytokine giúp giảm ca tử vong vì Covid-19

Trong hai thập kỷ qua, giới chuyên gia đã nắm bắt về chẩn đoán và điều trị các hội chứng bão cytokine. Trên chiến tuyến chống Covid-19, việc các chuyên gia y tế thường trực cảnh giác đối với hội chứng và có sự chuẩn bị để xác định và điều trị được cho là rất quan trọng.

Hành động chuẩn bị này có thể giúp giảm đáng kể số người chết vì Covid-19. Nắm được hiện tượng này cũng chỉ ra phương pháp điều trị bằng thuốc hữu hiệu. Trong điều trị các cơn bão cytokine do các bệnh khác gây ra, như các bệnh do virus và các bệnh tự miễn khác, tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân gặp bão cytokine đã giảm tới 27%.

Khi cơ thể lần đầu tiếp xúc với virus hay vi khuẩn, hệ thống miễn dịch được kích hoạt và bắt đầu chống lại “kẻ xâm nhập”. Những “chiến binh nòng cốt” trong cuộc chiến này là các phân tử được gọi là cytokine tạo ra một loạt các tín hiệu đến các tế bào để sắp xếp một phản ứng. Thông thường, phản ứng miễn dịch càng mạnh, cơ hội đẩy lùi mầm bệnh càng lớn. Điều này phần nào lý giải tại sao trẻ em và những người trẻ tuổi ít tổn thương bởi virus corona hơn. Và một khi virus bị đánh bại, hệ miễn dịch tự tắt.

“Đối với phần lớn bệnh nhân, cơ chế diễn ra như vậy”, tiến sĩ Randy Cron, chuyên gia về các cơn bão cytokine tại Đại học Alabama ở Birmingham, Anh, cho biết.

Tuy nhiên, theo đội nghiên cứu của ông Cron, trong một số trường hợp, vào khoảng 15% các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, hệ miễn dịch vẫn kéo dài phản ứng sau khi virus không còn đe dọa. Hệ miễn dịch vẫn giải phóng cytokine khiến cơ thể rơi vào trạng thái kiệt sức. Trong nỗ lực lệch lạc tưởng như để bảo vệ cơ thể an toàn, những cytokine này tấn công nhiều bộ phận, bao gồm gan, phổi và thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Ở những bệnh nhân này, chính phản ứng của cơ thể, chứ không phải virus là tác nhân gây tổn hại cơ thể.

Hội chứng bão cytokine có thể xảy ra ở các bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, nhưng một số nhà khoa học tin rằng nó có thể giải thích cho hiện tượng những người trẻ tuổi khỏe mạnh chết trong đại dịch năm 1918 và gần đây hơn trong các dịch SARS, MERS và H1N1.

Bão cytokine cũng là một biến chứng của những bệnh tự miễn khác như lupus và bệnh Still’s, một dạng viêm khớp. Và hội chứng này có thể mang lại những manh mối về nguyên do những người trẻ tuổi khỏe mạnh nhiễm coronavirus lại không chịu nổi hội chứng suy hô hấp cấp tính, hậu quả phổ biến của bão cytokine.

Tiến sĩ Cron cho biết các báo cáo từ Trung Quốc và Italy mô tả rằng những bệnh nhân trẻ tuổi với kết quả lâm sàng có vẻ phù hợp với hiện tượng này. Có khả năng một số bệnh nhân này đã nảy sinh bão cytokine.

Những cách khắc chế bão cytokine

Theo New York Times, hội chứng này đang trở nên phổ biến trong đại dịch Covid-19 ở các nước khác. Các bác sĩ tại một bệnh viện ở Paris, Pháp gần đây đã gặp trường hợp tương tự. Một người đàn ông 42 tuổi tới bệnh viện này hôm 17/3 với các triệu chứng sốt, ho và “những tổn thương kính mờ” ở cả hai phổi - những dấu hiệu đặc trưng của nhiễm virus corona chủng mới.

Hai ngày sau đó, tình trạng của bệnh nhân này đột ngột tệ hơn, nồng độ oxy xuống thấp. Các bác sĩ nghi ngờ cơ thể ông đã trải qua hội chứng bão cytokine nguy hiểm.

Họ đã thử sử dụng tocilizumab, một loại thuốc đôi khi được dùng để làm dịu hoạt động của hệ miễn dịch. Chỉ sau hai liều cách nhau 8 tiếng, cơn sốt của người bệnh nhanh chóng biến mất, nồng độ oxy tăng lên. Kết quả chụp lồng ngực cho thấy hình ảnh phổi hiện rõ.

Trường hợp này được mô tả trong bài báo trên tạp chí y khoa Annals of Oncology, với sự góp sức của hàng chục nhà khoa học Italy và Trung Quốc. Tất cả đều đồng ý rằng tocilizumab có thể là phương thuốc hiệu quả để điều trị Covid-19 ở một số bệnh nhân.

Hôm 5/3, Trung Quốc đã thông qua việc sử dụng tocilizumab để điều trị các trường hợp nghiêm trọng nhiễm Covid-19 và các thử nghiệm lâm sàng được ủy quyền.

Một phòng nghiên cứu virus corona gây đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Ngày 23/3, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng phê chuẩn cho công ty Roche thử nghiệm tocilizumab ở hàng trăm người nhiễm virus.

Tocilizumab được phê duyệt để làm dịu sự va đập của các phân tử miễn dịch trong bệnh phong thấp và trong một số loại ung thư. Thuốc này giúp bất hoạt phân tử cytokine có tên gọi là interleukin-6, liên quan đến phản ứng miễn dịch quá mức.

"Đây là lý do căn bản để dùng loại thuốc này", tiến sĩ Laurence Albiges thuộc Trung tâm Ung thư Gustave Roussy ở Paris cho biết.

Trong khi nghiên cứu phương pháp điều trị, các nhà khoa học cũng đang cố gắng tìm hiểu lý do hệ thống miễn dịch của một số bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm trên. Các nhân tố di truyền giải thích cho nguy cơ gặp phải bão cytokine, ít nhất là trong một số trường hợp.

Có nhiều biến thể của hiện tượng và tên gọi của chúng cũng khác nhau: hội chứng phản ứng viêm toàn thân (SIRS), hội chứng giải phóng cytokine, hội chứng thực bào máu, bệnh bạch cầu lymphohistiocytosis.

Nhìn chung, tất cả đều đặc trưng bởi sự tăng vọt không kiểm soát của các phân tử miễn dịch, có thể dẫn đến suy đa tạng, gây tử vong.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo nhiều bác sĩ chưa quen thuộc với khái nhiệm này hoặc chưa rõ cách điều trị.

“Mọi người đang nói về bão cytokine như thể một hiện tượng đã được nhận biết tường tận, nhưng nếu bạn hỏi các bác sĩ vào hai tuần trước, họ có thể thậm chí chưa nghe tới nó”, tiến sĩ Jessica Manson - một chuyên gia miễn dịch tại Bệnh viện Đại học London nói với New York Times.

Phát hiện bão cytokine bằng cách nào?

Bệnh nhân chống chọi với bão cytokine có thể có nhịp tim đập nhanh bất thường, sốt và tụt huyết áp. Nếu tình trạng tiếp tục leo thang, hội chứng sẽ trở nên rõ ràng hơn sau vài ngày nhiễm bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ càng sớm nắm bắt và điều trị thì khả năng sống sót của bệnh nhân càng cao.

Nếu phát hiện quá trễ, cơn bão có thể vượt tầm kiểm soát hoặc có thể đã gây quá nhiều tổn thương.

Một biện pháp xét nghiệm tương đối đơn giản, nhanh chóng có thể phát hiện cơ thể bệnh nhân có gặp phải bão cytokine hay không, là tìm hiểu lượng protein gọi là ferritin có ở mức cao hay không.

Nếu xét nghiệm này không xác định được có xảy ra bão cytokine hay không, bước tiếp theo là gì?

Theo tiến sĩ Cron, giải pháp thường thấy là dập tắt cơn bão. “Nếu đó là phản ứng của cơ thể với bệnh nhiễm đang giết chết bạn, bạn cần phải trị nó”, ông Cron nói.

Thực tế phức tạp hơn, đặc biệt là khi các dữ liệu tin cậy cho Covid-19 còn hạn chế. Tuy nhiên, lưu ý rằng những thuốc như tocilizumab thường được dùng cho những bệnh nhân viêm khớp, tiến sĩ Cron cho biết lợi ích thuốc này có thể vượt xa tác hại tiềm tàng trong trường hợp bệnh nhân nguy kịch.

“Chúng ta cần dữ liệu dựa trên bằng chứng, nhưng trong một đại dịch giữa lúc chúng ta đối mặt với những tình huống khó khăn mà có thể chưa từng trải qua, chúng ta luôn phải chữa trị cho bệnh nhân trước mắt”, ông Cron cho biết.

Biểu cảm của nhân viên y tế ở bệnh viện Elmhurst tại Mỹ sau khi ra khỏi phòng cấp cứu. Ảnh: AP.

Cũng có những loại thuốc khác có thể có tác dụng hiệu quả với cơn bão cytokine như anakinra. Các thử nghiệm lâm sàng với anakinra cho Covid-19 đang được tiến hành. Một báo cáo tuần rồi cho thấy thuốc sốt rét hydroxychloroquine cũng cho thấy khả năng làm dịu phản ứng quá mức của hệ miễn dịch.

Các bác sĩ cũng có thể chuyển qua corticosteroid, có tác dụng làm giảm toàn bộ phản ứng miễn dịch. Tuy vậy, biện pháp này có mối nguy cơ riêng, khiến cơ thể bệnh nhân dễ mắc các loại nhiễm trùng cơ hội khác, đặc biệt là trong môi trường bệnh viện.

Tìm câu trả lời cho hiện tượng người trẻ tuổi nhiễm bệnh nặng

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu do chuyên gia Jean-Laurent Casanova của Viện Y học Howard Hughes tại Maryland (Mỹ), dẫn đầu đang xúc tiến một nghiên cứu để lý giải việc nhiều bệnh nhân trẻ khỏe, không có bệnh nền cũng nhiễm Covid-19 với triệu chứng nghiêm trọng.

“Chúng tôi đang cố gắng tìm ra căn cứ gene của các bệnh nhân trẻ khỏe bị nhiễm virus corona bị bệnh nặng”, ông Hughes nói.

Nhóm này dự định kêu gọi 500 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tham gia nghiên cứu và tiếp nhận điều trị. Các bệnh nhân này ở độ tuổi dưới 50 và không có bệnh lý nền như tiểu đường hay bệnh về tim phổi.

Một bệnh nhân đang được đưa vào Bệnh viện Elmhurst ở Queens. Ảnh: New York Times.

Dựa vào ADN của các bệnh nhân, nghiên cứu có thể xác định đột biến gene khiến một số người trẻ tuổi dễ nhiễm virus corona, ông Casanova cho biết. Kết quả nghiên cứu có thể giúp bác sĩ xác định bệnh nhân nào có nguy cơ nhiễm bệnh nghiêm trọng nhất.

Xác định đột biến gene cũng mở ra hy vọng về phương pháp điều trị mới. Ví dụ, nếu tế bào trong cơ thể bệnh nhân không đủ tạo ra phân tử miễn dịch, bổ sung tế bào có thể là một hướng đi mới.

Nhóm nghiên cứu đã tiếp nhận nhiều đơn đăng ký và bắt tay vào giải mã trình tự gene của các bệnh nhân. Tuy nhiên, sẽ mất nhiều năm để người ta thấy được kết quả của công trình nghiên cứu này. “Đây là một nỗ lực dài hạn”, ông Casanova phát biểu.

“Chúng tôi thấy rất mừng vì có thể bắt đầu nghiên cứu này sớm như vậy. Chúng tôi hy vọng thành quả của nghiên cứu sẽ có ý nghĩa lâm sàng trong 2-3 năm nữa”, ông Casanova bày tỏ.

Trước đó, nhóm này đã giải mã thành công bộ gene của bệnh nhân nhiễm virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Loại bệnh truyền nhiễm gần giống với Covid-19 nhất mà nhóm này từng nghiên cứu là chứng viêm phổi do cúm nặng.

Cả thế giới chống dịch, ‘người nhện’ cũng vào cuộc Khi thế giới đang phải chống lại dịch Covid-19, người dân ở mọi nơi đã đoàn kết và giúp đỡ nhau vượt qua những thời điểm khó khăn này.

Khánh Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-hien-moi-ve-bao-cytokine-giup-giam-ca-tu-vong-vi-covid-19-post1066394.html