Phát hiện mới về nguy cơ nhập viện, tử vong của người tái mắc Covid-19

Theo một nghiên cứu từ Qatar, những F0 tái mắc Covid-19 có tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong thấp hơn 90% so với những người nhiễm lần đầu.

Nghiên cứu được công bố ngày 24/11 trên tạp chí Y học New England. Theo CNN, các tác giả phân tích dữ liệu của 353.326 người mắc Covid-19 ở Qatar và nhận thấy rất ít trường hợp tái nhiễm nCoV. Đa số bệnh nhân tái mắc Covid-19 đều ở trong tình trạng nhẹ.

Thời gian tái nhiễm trung bình là 9 tháng

Làn sóng Covid-19 đầu tiên ở Qatar xảy ra từ tháng 3 đến tháng 6/2020. Sau đợt dịch, khoảng 40% dân số nước này có kháng thể chống lại nCoV. Sau đó, từ tháng 1 đến tháng 5, Qatar trải qua đợt dịch Covid-19 thứ hai với sự xuất hiện của biến chủng Delta.

Để xác định có bao nhiêu người dân Qatar tái mắc Covid-19, nhóm chuyên gia từ Weill Cornell Medicine-Qatar đã so sánh hồ sơ của những F0 có kết quả dương tính với nCoV (bằng rRT-PCR) từ tháng 2/2020 đến tháng 4/2021. Họ loại trừ 87.547 người đã tiêm vaccine.

Từ đây, các tác giả phát hiện chỉ 1.304 ca tái mắc Covid-19. Thời gian trung bình giữa hai lần mắc Covid-19 là khoảng 9 tháng.

 Nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Qatar cho thấy tỷ lệ mắc bệnh nghiêm trọng, nhập viện, tử vong của những F0 khỏi bệnh rất thấp. Ảnh: CNN.

Nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Qatar cho thấy tỷ lệ mắc bệnh nghiêm trọng, nhập viện, tử vong của những F0 khỏi bệnh rất thấp. Ảnh: CNN.

Trong số những người tái mắc Covid-19, chỉ 4 trường hợp nghiêm trọng đến mức phải nhập viện. Không trường hợp nào nguy kịch và phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, 28 F0 mắc Covid-19 lần đầu rơi vào tình trạng nguy kịch.

Không có ca tử vong trong nhóm tái mắc Covid-19. Con số này ở những người nhiễm nCoV lần đầu là 7 ca.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm John Alcorn, Đại học Pittsburgh, người không tham gia vào nghiên cứu này, đánh giá các con số nói trên rất đáng chú ý. Tuy nhiên, nó có giới hạn là chỉ được thực hiện ở Qatar. Vì vậy, ông John đặt câu hỏi liệu nCoV có hoạt động giống vậy ở bất kỳ kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào khác không.

Ngoài ra, 612 trường hợp mắc Covid-19 chủng ban đầu. Báo cáo không đề cập số ca nhiễm biến chủng Delta. Điều này được cho là có thể tác động số lần tái nhiễm của các F0 khỏi bệnh.

Những câu hỏi bỏ ngỏ

Trong nghiên cứu của mình, ông Alcorn cho hay khả năng miễn dịch tự nhiên ở mỗi người có sự khác nhau. Họ chưa biết mức độ kháng thể bảo vệ là bao nhiêu. Song, trong một số trường hợp, mức độ kháng thể có thể không đủ để những người này không mắc bệnh trở lại.

"Cần phải xác định liệu khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng khi tái nhiễm có kéo dài trong thời gian dài hơn hay không. Tương tự, khả năng miễn dịch chống lại các chủng virus corona khác như thế nào. Nó là miễn dịch ngắn hạn hay chống lại nguy cơ tái nhiễm nhẹ nhưng miễn dịch dài hơn”, ông Alcorn nói.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, TS Kami Kim, Giám đốc khoa Bệnh Truyền nhiễm và Y tế Quốc tế của Đại học Nam Florida, nhận định chúng ta cần thận trọng để không khiến mọi người hiểu rằng người từng khỏi Covid-19 không cần phải tiêm vaccine.

“Nó giống khi bạn đặt câu hỏi có cần túi khí và cài dây an toàn không. Bạn có túi khí không có nghĩa thắt dây an toàn không giúp ích gì và ngược lại. Tốt nhất là chúng ta được bảo vệ bởi hai vật này”, vị chuyên gia nói.

Các tác giả nhấn mạnh tiêm vaccine Covid-19 vẫn là phương pháp tốt nhất hiện nay, ngay cả với những người đã từng mắc và khỏi Covid-19. Ảnh: Freepik.

Trong khi đó, ông Alcorn cho hay họ rút ra được bài học khác từ nghiên cứu này: “Vaccine vẫn là phương pháp tốt nhất. Chúng tôi hy vọng thông qua tiêm chủng và hồi phục khỏi Covid-19, chúng ta sẽ đạt được mức độ bảo vệ đáng kể”.

Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra khả năng miễn dịch tự nhiêm sẽ làm giảm nguy cơ tái mắc Covid-19. Một công trình được thực hiện ở Đan Mạch, công bố vào tháng 3, cho thấy hầu hết người khỏi Covid-19 được bảo vệ khỏi nguy cơ tái nhiễm và duy trì ổn định kháng thể trong ít nhất 6 tháng. Hầu hết người bị tái mắc Covid-19 là người trên 65 tuổi.

Trong khi đó, nghiên cứu do giáo sư Jeffrey Townsend và các cộng sự tại Đại học Yale, Mỹ thực hiện, được đăng trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet đầu tháng 10 cho thấy con người có thể tái mắc bệnh "sau mỗi 16 tháng" nếu không được tiêm vaccine.

Đặc biệt, các nghiên cứu này lẫn công trình tại Qatar đều không nói rõ thời gian bảo vệ khỏi nCoV của người từng mắc Covid-19 kéo dài bao lâu.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-hien-moi-ve-nguy-co-nhap-vien-tu-vong-cua-nguoi-tai-mac-covid-19-post1279674.html