Phát hiện một trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở TPHCM

BV Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) hiện đang điều trị cho một nam bệnh nhân 20 tuổi mắc bệnh bạch hầu. Như vậy, TPHCM là địa phương thứ 2, sau Đắk Nông, có trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong năm 2020.

 Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan

Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan

Trước đó khoảng 9 ngày, bệnh nhân (là học viên của một trường quân sự tại TPHCM) được chuyển đến BV trong tình trạng sốt, đau họng, sưng to vùng hàm và hạch cổ. Kết quả xét nghiệm sau đó của BV và Viện Pasteur TPHCM đều kết luận bệnh nhân mắc bạch hầu.

Trung tá, BS. Phan Bá Hiếu, Phụ trách Khoa Truyền nhiễm (BV Quân y 175) cho biết, ngay sau khi trường hợp này được xác định mắc bạch hầu, BV đã nhanh chóng báo cáo cho cơ quan chức năng khoanh vùng khử khuẩn. Theo thống kê ban đầu, có 16 người tiếp xúc gần nơi bệnh nhân sinh hoạt, học tập (tất cả đều ở ngoài BV) được cách ly và uống thuốc điều trị dự phòng.

Đồng thời, BV cũng triển khai phương án cách ly, khử khuẩn toàn bộ các khu vực bệnh nhân đã đi qua. Ngoài ra, để tránh nguy cơ lây nhiễm, một số nhân viên y tế và bệnh nhân tiếp xúc gần đều được uống thuốc điều trị dự phòng.

Sau 9 ngày điều trị, hiện tình trạng sức khỏe của nam học viên ổn định. Bệnh nhân đã hết sốt, đau họng, sưng hạch cổ.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vaccine đủ liều và đúng lịch. Khi phát hiện sớm, bệnh điều trị khỏi bằng kháng sinh.

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu đủ mũi tiêm và đúng lịch. Lịch tiêm chủng vaccine SII hoặc ComBe Five trong Chương trình yiêm chủng mở rộng: Mũi 1 tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi. Mũi 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng. Mũi 3 sau mũi thứ hai 1 tháng. Mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/phat-hien-mot-truong-hop-mac-benh-bach-hau-o-tphcm/398974.vgp