Phát hiện nhầm con sau 6 năm: Quan trọng nhất vẫn là quyền lợi, tâm lý của 2 đứa trẻ

Một số trường hợp không được phát hiện kịp thời và gây tổn hại về tâm lý cũng như đảo lộn cuộc sống của các gia đình có con bị trao nhầm.

Tin nên đọc

Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Bệnh viện lên tiếng về thông tin đền bù 150 triệu đồng

"Canh bạc" cuối đời của cụ bà Việt kiều 80 tuổi buôn ma túy

Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Xin hãy nghĩ đến các con!

Bi kịch của người mẹ bị trao nhầm con ở Ba Vì: "Bản thân mất nhân phẩm, tổn thất chưa tính ra con số"

Dư luận đang xôn xao trước vụ việc trao nhầm con tại Bệnh viện Da khoa Ba Vì, TP Hà Nội. Điều đáng nói, đây không phải là sự cố đáng tiếc duy nhất ở Việt nam. Tuy nhiên, cách giải quyết có phần lúng túng trong vụ việc này đang vô tình làm khổ các bên liên quan.

Khổ chủ phải gửi đơn lên bộ y tế

Bộ Y tế cho biết đã tiếp nhận đơn kiến nghị của anh Phùng Giang Sơn (sinh năm 1990, trú tại Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội).

Chị Hương phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong vụ trao.

Chị Hương phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong vụ trao.

Gần 6 năm trước, khoảng 7h10 ngày 1/11/2012, vợ anh Sơn sinh con tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Khi được giao con, vợ chồng anh nghi ngờ nhầm tã lót của cháu nên có hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ.

Tuy nhiên, bác sĩ khẳng định đây là tã lót của cháu chứ không nhầm. Từ đó tới nay, gia đình anh Sơn vẫn nuôi dưỡng bé Phùng Thanh H. vì tin vào lời khẳng định của bệnh viện.

Tuy nhiên, khi lớn lên, cháu H ngày càng có nhiều điểm và nét không giống bố mẹ. Bé H được đưa đi xét nghiệm tại Viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an). Kết quả cho thấy, bé không phải là con đẻ của vợ chồng anh Sơn.

“Gia đình tôi đang rất sốc và cảm thấy bị tổn thương quá nhiều vì sự sai sót của Bệnh viện đã gây ra cho gia đình”, anh Sơn bức xúc trong lá đơn gửi Bộ Y tế. Sau đó, Bệnh viện đã xác định gia đình chị Vũ Thị Hương (SN 1989, ở Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) là người còn lại bị trao nhầm con.

Bệnh viện đã gặp gỡ hai gia đình vào ngày 14/4/2018 và thống nhất hai gia đình cùng hai cháu đi xét nghiệm ADN tại Viện khoa học hình sự (Bộ Công an).

Kết quả cho thấy có sự sai sót trao nhầm con giữa hai gia đình. Tuy nhiên, hơn 3 tháng nay, các cháu của hai gia đình vẫn chưa thể đoàn tụ với nhau.

Gia đình anh Sơn mong muốn lực lượng chức năng sớm vào cuộc để sửa chữa việc nhầm lẫn trong quá trình giao con. Ngay sau khi tiếp nhận đơn, Bộ Y tế đã chuyển đơn đến Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) của kíp trực tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.

Cần tránh gây tổn thương tâm lý cho cả 2 trẻ

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng vừa có buổi làm việc với Bệnh viện này để tìm hướng giải quyết. Theo đó, Sở yêu cầu Bệnh viện phải giải quyết vụ việc sớm và đảm bảo sự đồng thuận của hai gia đình bị trao nhầm con.

Các vấn đề pháp lý, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ... có thể thực hiện sau đó. Hạn chót giải quyết là ngày 20/7.

Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện rà soát lại toàn bộ quy trình chuyên môn, kỹ thuật của cơ sở; đặc biệt là quy trình chuyên môn trong chuyên ngành sản khoa và các quy trình khác liên quan đến việc tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh.

Sở giao Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chủ trì về chuyên môn, rà soát quy trình trao nhận trẻ sơ sinh tại các bệnh viện. Hiện tại, cả hai cháu đều đã biết sự việc.

Anh Sơn chia sẻ bản thân rất sốt ruột về việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý bởi cả hai con đều chuẩn bị bước vào lớp một.

Hơn nữa, con ruột của anh đang gặp vấn đề sức khỏe nên anh mong muốn sớm được đón con về để chữa trị. Gia đình anh Sơn đã gửi đơn kiện đến tòa án huyện Ba Vì để mong giải quyết sớm được nhận lại con.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc khiếu kiện sẽ mất rất nhiều thời gian để hai cháu có thể được trở về với gia đình của mình, đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các trẻ.

Bồi thường ra sao khi trao nhầm trẻ?

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì Nguyễn Quốc Hùng cho biết sẽ sớm mời gia đình anh Sơn và chị Hương cùng gặp để thỏa thuận mọi việc. Riêng khoản hỗ trợ 300 triệu đồng như gia đình đề nghị, hiện quỹ đền bù rủi ro của bệnh viện không đủ tiền để chi trả.

Việc bồi thường có thể chưa đủ căn cứ pháp lý như ý kiến chuyên gia phân tích nhưng về tình rất cần được giải quyết thỏa đáng khi mà những người trong cuộc đã phải gánh quá nhiều tổn thất, nhất là phía chị Hương phải chịu cảnh gia đình ly tán, bị mọi người xung quanh nghi kỵ sự đoan chính…

Việc trao nhầm con không phải là chưa từng xảy ra ở Việt Nam khi trước đó còn phát hiện được sự nhầm lẫn cách đây hơn 40 năm. Ngay cả nền y tế các nước trên thế giới cũng không tránh khỏi sự cố này.

Đơn cử như ở Hoa Kỳ, theo thống kê của Hiệp hội Inter/Action, một tập đoàn tư vấn an ninh ở Las Vegas, khoảng 1 trong 1.000 trẻ bị trao nhầm ở bệnh viện.

Phần lớn xảy ra trong quá trình di chuyển trẻ sau sinh: trẻ được đưa tới cho mẹ, sau đó cho vào nôi và chuyển tới phòng dành cho trẻ sơ sinh, sau đó lại về với mẹ. Cách xác định danh tính trẻ sơ sinh ở mỗi bệnh viện khác nhau.

Trong đó, phương pháp phổ biến nhất hiện nay tại các bệnh viện trên thế giới là dùng vòng tay đôi cho mẹ và bé. Chiếc vòng này thường ghi tên bố mẹ và số hiệu riêng của cặp mẹ-bé (ví dụ, nếu mã của bé là 1234, mã của mẹ cũng sẽ là 1234).

Một số bệnh viện hiện đại còn sử dụng vòng chứa chip điện tử RFID để nhân viên bệnh viện có thể dùng thiết bị điện tử để xác định. Tuy nhiên, cách làm này vẫn có thể dẫn tới nhầm lẫn. Trên thực tế, khoảng 23.000 vụ nhầm lẫn trẻ đã diễn ra tại các bệnh viện ở Mỹ (phần lớn được giải quyết trước khi trẻ rời viện).

Trong đó, nhân viên có thể đọc nhầm thông tin trên vòng tay của bé và mẹ, hoặc vòng có thể rơi khỏi tay hoặc chân của bé. Đồng thời, trẻ cũng có thể bị đặt nhầm giường sau khi tắm hoặc điều trị. Dù có nhiều biện pháp đề phòng, khoảng 64 ca nhầm trẻ vẫn diễn ra mỗi ngày.

Một số trường hợp không được phát hiện kịp thời và gây tổn hại về tâm lý cũng như đảo lộn cuộc sống của các gia đình có con bị trao nhầm.

Khi các gia đình phát hiện sai phạm, họ có thể gửi đơn kiện bệnh viện và yêu cầu được đền bù tổn thất, cùng các chi phí phát sinh trong quá trình nhận lại con. Con số này thường lên tới hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng chục triệu USD.

Một trường hợp hy hữu khác xảy ra ở Nhật Bản, sự nhầm lẫn của bệnh viện khiến con trai một gia đình giàu có phải sống gần 60 năm trong cảnh bần hàn.

Ông quyết định kiện bệnh viện San-Ikukai ở Tokyo - nơi đã trao nhầm hai trẻ sau khi tắm - và nhận được khoảng 370.000 USD tiền đền bù (thay vì con số 2,5 triệu USD ông yêu cầu).

Hai cô bé sinh năm 1994 ở một phòng khám tại Cannes, Pháp, cũng bị trao nhầm và chỉ 10 năm sau, khi một người cha yêu cầu làm xét nghiệm ADN, mọi sự mới được sáng tỏ. Hai gia đình quyết định kiện phòng khám nhưng không đổi lại con.

Tòa yêu cầu phòng khám đền bù hơn 2 triệu USD cho hai gia đình. Tuy nhiên, họ đều cho biết không gì có thể bù đắp lại những tổn thương về tâm lý và tình cảm mà hai đứa trẻ và những người trong cuộc phải chịu đựng.

Hoàng Thư

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/phat-hien-nham-con-sau-6-nam-quan-trong-nhat-van-la-quyen-loi-tam-ly-cua-2-dua-tre-d73398.html