Phát hiện nhiều đồng tiền cổ ở giếng Mắt Rồng

Khi địa phương thực hiện vét lại giếng, bao bờ lại thì phát hiện nhiều tiền cổ tại giếng Mắt Rồng, ở cánh đồng Đồng Sao, thôn 7, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trịnh Duy Tình, chủ tịch UBND xã Thuận Minh (trước đây là Xuân Châu) cho biết: Khi thực hiện đào, vét lại vị trí 2 giếng nước nằm cạnh nhau trên cánh đồng Đồng Sao, những người thợ đã phát hiện nhiều đồng tiền cổ nằm lẫn trong bùn đất dưới lòng giếng. Hiện nay, những đồng tiền trinh này cùng với nhiều hiện vật khác thu lượm được ở Kinh đô Vạn Lại (ở gần giếng Mắt Rồng) đang được lưu giữ tại UBND xã Thuận Minh.

Hai giếng Mắt Rồng được đào vét lại là vị trí hiếm hoi có nước ở khu vực này

Hai giếng Mắt Rồng được đào vét lại là vị trí hiếm hoi có nước ở khu vực này

Theo cụ Phạm Thị Mai (77 tuổi), xã Thuận Minh kể lại: Từ nhỏ, gia đình tôi và người dân trong làng đều sử dụng nước ở 2 giếng Mắt Rồng. Giếng nằm ở vị trí ở sườn đồi, lòng giếng không sâu nhưng lại có nước quanh năm. Sau đó, giếng bị bồi lấp lại, thành ruộng trên cánh đồng Đồng Sao. Gần đây, chính quyền địa phương mới thực hiện đào, vét lại hai giếng trên.

Tiếp giáp bề mặt nước giếng là lớp đá tổ ong

Giếng Mắt Rồng ở bên cạnh Kinh đô Vạn Lại xưa

Theo quan sát, cả hai giếng đều có lớp đá ong tự nhiên gần bề mặt nước, lòng giếng cạn, nước giếng trong. Có nhiều câu chuyện truyền miệng về lịch sử hai giếng Mắt Rồng cũng như tên gọi của giếng này. Đặc biệt, hai giếng này nằm bên cạnh khu vực Kinh đô Vạn Lại (còn gọi là Hành cung Vạn Lại. Đây là kinh đô của Đại Việt Nam triều nhà Lê trong giai đoạn Nam - Bắc triều phân tranh của hai họ Lê - Mạc, giai đoạn 1546-1593).

Hoàng Lam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/phat-hien-nhieu-dong-tien-co-o-gieng-mat-rong-1521993.tpo