'Phát hiện sai phạm tại dự án BT phải hủy hợp đồng ngay'

'Phát hiện sai phạm tại dự án BT phải hủy hợp đồng ngay'; 'Quy định chi phí lãi vay của doanh nghiệp là không phù hợp'... là một số phát ngôn ấn tượng được BizLIVE ghi nhận trong tuần qua.

Dự án đầu tư công tại TP.HCM: Vì sao không tiêu được tiền?

Trong lúc người dân TP.HCM đang khốn khổ vì ngập nước, kẹt xe thì hàng nghìn tỷ đồng ngân sách bố trí cho các cơ quan chức năng giải quyết các vấn nạn này được gửi trong Kho bạc Nhà nước và có nguy cơ bị thu hồi vì quá hạn giải ngân…

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành trong năm 2019 phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, không để xảy ra tình trạng có cơ quan, đơn vị giải ngân đầu tư công thấp hơn 90% số vốn đã được duyệt. Các dự án được giao kế hoạch nếu giải ngân dưới 50% (tính đến ngày 31/7) thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan.

Còn theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, “Năm 2019 dứt khoát không để xảy ra tình trạng giải ngân chậm, nếu nơi nào làm không nổi thì xin giảm chỉ tiêu, để tiền đó làm việc khác”. (Xem tiếp)

Thủ tướng: Hủy hợp đồng BT nếu phát hiện sai phạm

"Phát hiện sai phạm tại dự án BT phải hủy hợp đồng ngay", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các địa phương (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BT) và nhà đầu tư các dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các hợp đồng dự án, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm (nếu có); không được chấp nhận sai trái, vi phạm pháp luật; không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm. (Xem tiếp)

“Quy định chi phí lãi vay của doanh nghiệp là không phù hợp”

Hôm 14/12, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp".

Theo ông Nam, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp... (Xem tiếp)

Nhân sự ngân hàng “trong sợ ngoài thèm”

Cựu Phó tổng giám đốc phụ trách khu vực miền Trung của một ngân hàng cho hay, ông từng bị lãnh đạo cấp trên điều chuyển công việc vì không ký duyệt một hợp đồng tín dụng có giá trị lớn, do xét thấy có rủi ro… Và nay cựu Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc nhà băng này đang vướng vòng lao lý.

Các vụ đại án ngân hàng đã và đang được đem ra xét xử gần đây cho thấy, nhiều nhân viên ngân hàng đã phải chịu hậu quả pháp lý nặng nề do tin tưởng, làm theo lệnh cấp trên, mà bỏ qua các nguyên tắc, quy trình, thủ tục.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, sở dĩ các ngân hàng vẫn hay kêu thiếu nhân viên dù liên tục tuyển dụng với quy mô lớn do lao động ngành này biến động liên tục. (Xem tiếp)

TUẤN VIỆT

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/phat-hien-sai-pham-tai-du-an-bt-phai-huy-hop-dong-ngay-3484775.html