Phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh ở trẻ: Giải pháp để điều trị bệnh hiệu quả

Dị tật tim bẩm sinh có tỷ lệ mắc không cao, nhưng là loại dị tật gây ra nhiều hậu quả nặng nề nhất cho trẻ, thậm chí có thể khiến trẻ tử vong.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi sau ca phẫu thuật tim tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: G.Nhi

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi sau ca phẫu thuật tim tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: G.Nhi

Việc phát hiện sớm tình trạng bệnh của trẻ là rất cần thiết để có phương pháp điều trị, can thiệp kịp thời giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường.

* Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền để phẫu thuật bệnh tim cho con, đã 10 năm nay chị N.T.H. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) hằng tháng phải đưa con trai Đ.C.H. đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để khám và theo dõi tình trạng bệnh tim của con. Chị H. cho biết, khi bé H. được 3 tháng tuổi, thấy con hay ốm đau, ngón tay, ngón chân, môi tím tái, chị mới đưa con đi khám bệnh thì được bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh tim một thất, teo van động mạch phổi. Mặc dù đã 10 tuổi nhưng bé H. chỉ nặng 18kg, đi lại rất yếu, và không đủ sức khỏe để theo học như các bạn cùng trang lứa.

Hay như trường hợp bé D.M.T. (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã 11 tuổi nhưng bé chỉ nặng 15kg, thân hình gầy gò. “Gia đình phát hiện con bị tim bẩm sinh từ khi còn mang thai. Nhưng do thiếu hiểu biết, nhà nghèo nên chúng tôi không có điều kiện để chữa trị cho con. Căn bệnh tim liên tục hành hạ khiến cháu nay ốm mai đau, không thể đi học được” - mẹ bé T. cho biết.

ThS-BS.Nguyễn Thị Ly Ly, Trưởng khoa Tim mạch thận niệu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trung bình mỗi tuần, Khoa Tim mạch thận niệu có khoảng 30-40 lượt bệnh nhân tim bẩm sinh đến khám. Với những trẻ mắc các dạng tim bẩm sinh nhẹ như thông liên nhĩ, thông liên thất lỗ nhỏ… hoàn toàn có sự phát triển thể chất bình thường nếu không kèm theo các hội chứng bất thường khác ngoài tim. Còn các bệnh tim bẩm sinh có tình trạng suy tim tiến triển như thông liên thất lỗ lớn, kênh nhĩ thất… sẽ làm trẻ chậm tăng cân, dễ bị viêm phổi.

Cho đến nay, vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tim bẩm sinh, có thể do nhiều nguyên nhân như bất thường của các nhiễm sắc thể, di truyền trong gia đình khiến tim bẩm sinh xảy ra trong nhiều thế hệ của gia tộc, môi trường sống tác động lên cơ thể bà mẹ lúc mang thai như: tia phóng xạ, tia quang tuyến X, hóa chất, rượu, thuốc...

* Cần phát hiện sớm bệnh

Theo BS.Ly, một số trường hợp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng không có biểu hiện gì do dị tật không nặng, chỉ tình cờ được phát hiện khi khám sức khỏe hoặc khám vì một lý do khác.

Một số dị tật khác cũng hay đi kèm với bệnh tim bẩm sinh như: hội chứng down, sứt môi - chẻ vòm, thiếu hoặc thừa ngón tay - ngón chân, tật đầu to, đầu nhỏ...

Cần đưa trẻ đi khám bệnh ngay nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng khác lạ như: trẻ hay bị ho, khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực rút lõm khi hít vào), viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần; trẻ có làn da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi; trẻ bị tím môi, đầu ngón tay, ngón chân khi khóc, khi rặn...; trẻ bú hoặc ăn kém, chậm lên cân, thậm chí không tăng cân hay sụt cân. Trẻ chậm phát triển thể chất và tinh thần so với trẻ khác.

“Các bậc phụ huynh cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường của trẻ để kịp thời thăm khám nhằm phát hiện bệnh tim bẩm sinh sớm, để có hướng điều trị phù hợp cho trẻ. Tim bẩm sinh là bệnh nguy hiểm, nhưng nếu trẻ được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có thể chữa khỏi hoàn toàn, trẻ có cơ hội được sống khỏe mạnh và phát triển bình thường như trẻ khác” - BS.Ly cho biết.

* Chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh

Mặc dù nhiều trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có thể sinh hoạt, học tập không khác trẻ bình thường, nhưng nhìn chung, tất cả trẻ mắc bệnh này cần được chăm sóc kỹ lưỡng và đúng cách để có sức khỏe tốt. Cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc phối hợp điều trị cho trẻ.

Cần phòng tránh bệnh đường hô hấp cho trẻ, vì trẻ bị tim bẩm sinh rất dễ bị viêm phổi, để tránh biến chứng này gia đình nên giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, không cho trẻ ở những nơi có nhiều khói bụi, khói thuốc lá. Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh ho, cảm cúm thì nên tránh xa trẻ, không nên tiếp xúc với trẻ. Ngoài ra cần chú ý, chăm sóc răng miệng cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh để phòng tránh các bệnh nhiễm trùng.

Những trẻ mắc bệnh tim thường khó ăn do mệt, ăn vào nôn ngay. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ ăn từ từ, chủ yếu bằng thìa, ăn nhiều bữa, mỗi bữa ít hơn bình thường; đồng thời theo dõi sát việc lên cân của trẻ để có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Trẻ bị tim bẩm sinh nên tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Dù trẻ có bình thường cũng nên đi tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ đánh giá diễn tiến của bệnh, phát hiện các biến chứng cũng như điều chỉnh lại liều lượng thuốc cho phù hợp với cân nặng tăng dần của trẻ. Các trẻ đã được can thiệp phẫu thuật vẫn cần được tiếp tục theo dõi ở phòng khám của chuyên khoa tim mạch. Ngoài ra, cần tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Gia Nhi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202003/phat-hien-som-benh-tim-bam-sinh-o-tre-giai-phap-de-dieu-tri-benh-hieu-qua-2996147/