Phát hiện thêm hành tinh chứa nước, có thể tồn tại sự sống

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố sự tồn tại của nước trên một hành tinh, từ đó mở ra khả năng sự sống có thể phát triển ở đó.

Theo NASA, hành tinh có tên là K2-18b ở vị trí khá xa so với Trái Đất (khoảng 110 năm ánh sáng) nhưng lại có một bầu khí quyển giàu hơi nước. Hành tinh này đã được phát hiện thông qua Kính viễn vọng Không gian Hubble và Kính viễn vọng Không gian Kepler của NASA.

Quan trọng hơn, các nhà khoa học NASA cho biết, K2-18b có khoảng cách lý tưởng so với ngôi sao chủ của nó. Điều đó đó có nghĩa là nhiệt độ bề mặt của hành tinh này phù hợp cho sự tồn tại của nước lỏng. Đây chính là điều kiện tiên quyết tới sự tồn tại của sự sống. Do đó, con người có thể sinh sống được ở nơi đây trong tương lai.

 Kính viễn vọng Không gian Hubble. Nguồn: Engadget.

Kính viễn vọng Không gian Hubble. Nguồn: Engadget.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn đang đối mặt với nhiều câu hỏi chưa được trả lời về các điều kiện sống trên bề mặt hành tinh này.

Tiến sĩ Jennifer Wiseman của NASA cho biết, K2-18b nằm trong Vùng Goldilocks, hay còn gọi là “vùng sự sống”, “vùng tiện nghi”, “vành đai xanh”, nhưng vẫn chưa đủ bằng chứng để có thể kết luận chính thức về khả năng có sinh vật sống ở đó. Vì vậy, bước tiếp theo chính là nghiên cứu các yếu tố khác trên ngoại hành tinh này.”

Ông Wiseman nhấn mạnh, một hành tinh có thể tồn tại sự sống thì nơi đó phải có nhiệt độ vừa phải để giữ nước ở trạng thái lỏng, không lạnh đến nỗi đóng băng mà cũng không nóng đến mức sôi lên. Nếu các nghiên cứu tiếp theo về K2-18b xác nhận tồn tại nước trên ngoại hành tinh này thì đây sẽ là nơi duy nhất mà tới nay con người biết đến, ngoài Trái Đất, với nhiệt độ phù hợp cho sự tồn tại của nước ở trạng thái lỏng.

Một đặc điểm quan trọng khác chứng minh K2-18b có khả năng duy trì sự sống con người chính là hoạt động của ngôi sao chủ của nó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Engadget.

Trong trường hợp này, Tiến sĩ Wiseman cho biết, khoảng cách của K2-18b tới ngôi sao chủ (một ngôi sao lùn trắng) gần hơn là khoảng cách của Trái Đất so với Mặt Trời. Các sao lùn trắng rất nóng, vì thế chúng bức xạ ra ánh sáng trắng, đồng nghĩa với việc rất có khả năng K2-18b phải hứng chịu bức xạ lớn từ ngôi sao này. Do đó, NASA lo ngại rằng nhiệt độ hành tinh này có thể rất cao và khiến nước bốc hơi hoàn toàn.

Việc phát hiện ra hành tinh có thể có nước và có khả năng tồn tại sự sống sẽ mở ra thêm hy vọng cho việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất và ngoài hệ Mặt Trời của nhân loại.

Trước đó, Vệ tinh Thăm dò Ngoại hành tinh TESS của NASA đã tìm thấy một hành tinh tên là GJ 357d, ước tính lớn gấp 6 lần so với Trái Đất và quay quanh ngôi sao lùn trắng GJ 357. Đặc biệt, đây là hành tinh được cho giống Trái Đất nằm gần chúng ta nhất khi nó chỉ cách hệ Mặt Trời 31 năm ánh sáng.

KHÁNH NGÂN (theo Express)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/phat-hien-them-hanh-tinh-chua-nuoc-co-the-ton-tai-su-song-591668