Phát hiện tinh vân mang hình dáng của Nữ thần Tự do

Tại trung tâm của tinh vân NGC 3576, có thể nhìn thấy một bóng đen giống như người đang cầm ngọn đuốc.

Tại trung tâm của tinh vân NGC 3576, có thể nhìn thấy một bóng đen giống như người đang cầm ngọn đuốc.

Tinh vân NGC 3576 là đám mây khí bụi rộng khoảng 100 năm ánh sáng, nằm trong nhánh Sagittarius (Nhân Mã) của dải Ngân Hà gây chú ý vì mang hình dáng đặc biệt. Tại trung tâm của đám mây này, có thể nhìn thấy một bóng đen giống như người đang cầm ngọn đuốc.

Theo NASA, giống các tinh vân khác, NGC 3576 hình thành trong quá trình các ngôi sao tiến hóa. Phần lớn khí nóng và bụi trong tinh vân này đến từ những vụ nổ siêu tân tinh. Đó là vụ nổ mạnh và sáng, xảy ra cuối vòng đời của một ngôi sao khối lượng lớn.

Ảnh chụp tinh vân NGC 3576 của Đài quan sát tia X Chandra năm 2013. Ảnh: NASA

Ảnh chụp tinh vân NGC 3576 của Đài quan sát tia X Chandra năm 2013. Ảnh: NASA

"Những tinh vân như vậy cho thấy sự tiến hóa của các ngôi sao lớn, từ lúc hình thành trong đám mây tối khổng lồ, cuộc sống tương đối ngắn ngủi (chỉ vài triệu năm), đến khi chết trong vụ nổ siêu tân tinh" - NASA giải thích.

NGC 3576 chứa nhiều luồng khí sinh ra từ các ngôi sao đã nổ tung và chết. Bên trong những luồng khí này là các sao mới. Do sự xuất hiện của chúng, những vùng khí hydro ion hóa hình thành bên trong NGC 3576. Đài quan sát tia X Chandra từng chụp được các luồng gió sinh ra từ sao trẻ kích thước lớn thổi trong tinh vân.

Tinh vân thực chất là những đám mây sao hình thành từ bụi, khí hydro, khí helium và plasma. Chúng tập hợp nhờ lực hấp dẫn (nhưng chưa đủ để tạo thành ngôi sao hoặc thiên thể lớn) hoặc do sự giải phóng vật chất của sự kết thúc một ngôi sao.

Các tinh vân thường tập trung thành những giải hẹp, dày từ vài chục đến vài trăm năm ánh sáng và chia thành 5 loại chính bao gồm tinh vân phát xạ, tinh vân phản xạ, tinh vân tối, tinh vân hành tinh và tàn dư siêu tân tinh.

Một số hình ảnh đẹp về tinh vân:

Tinh vân Bong bóng (Bubble Nebula) tuyệt đẹp nằm cách chòm sao Thiên hậu (Cassiopeia) kiêu sa chỉ 11.000 năm ánh sáng. Mặc dù nhìn có vẻ tinh tế song với đường kính 10 năm ánh sáng, có nhiều bằng chứng cho thấy Tinh vân Bong bóng đang trong quá trình vận động mạnh mẽ. Ảnh: NASA

Những cột bụi đầy ấn tượng trong tinh vân Đại bàng (Eagle Nebula) đã tạo nên một áng cổ tích tuyệt đẹp của vũ trụ. Tinh vân Đại bàng nằm cách Trái Đất 7.000 năm ánh sáng và nhìn thấy được trong chòm sao Cự Xà (Serpens). Ảnh: NASA

Nằm cách Trái Đất 1.500 năm ánh sáng, tinh vân Đầu ngựa (Horsehead Nebula) nằm trong chòm sao Lạp Hộ (Orion) với bán kính 3,5 năm ánh sáng. Ảnh: NASA

Tinh vân Cánh bướm (Butterfly Nebula) còn có tên gọi khác là NGC 6302 và nằm cách chòm sao Thiên Yết (Scorpion) 4.000 năm ánh sáng. Ảnh: NASA

Tinh vân Carina có bán kính là 230 năm ánh sáng và nằm cách Trái Đất 7.500 ánh sáng là Đại tinh vân nằm trong chòm sao Thuyền Để. Ảnh: NASA

Vũ Đậu (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/cong-nghe/phat-hien-tinh-van-mang-hinh-dang-cua-nu-than-tu-do-a316501.html