'Phát hoảng' vì ốc biển

Rất nhiều loài ốc biển, ốc núi đá có vị lạ miệng, thịt chắc, ăn ngon và chế biến được thành nhiều món. Nhưng, không ít loài có chất độc, có thể dẫn đến dị ứng, ngộ độc, thậm chí tử vong với người nào ăn phải. Khi ăn ốc biển, người sử dụng phải hết sức cẩn thận.

Năm 2017, sự việc cô giáo trẻ chết sau khi ăn ốc lạ ở Bình Định khiến rất nhiều người lo ngại về việc làm thế nào để biết và phòng tránh các loài ốc có độc. Sự việc này không phải hy hữu, trước đó, từng có không ít vụ chết người thương tâm do ăn ốc biển, hải sản.

Các nhà khoa học đã đưa ra một số cảnh báo về các loại ốc có thể có độc, trong đó có ốc bùn răng cưa. Theo thông tin TS Phạm Xuân Kỳ, Trưởng Phòng hóa sinh biển thuộc Viện Hải dương học Nha Trang, qua hình ảnh mẫu ốc biển mà gia đình cô S. cung cấp cho bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bồng Sơn, được đăng tải trên các báo, chuyên gia của viện nhận định loại ốc gây chết người là loài ốc bùn răng cưa, tên khoa học là Nassarius papillosus (Linaaeus, 1785). Ốc bùn răng cưa là loài ốc chứa độc tố Tetrodotoxins. Hàm lượng độc tố thay đổi theo trong từng con ốc, có con ốc chứa lượng độc rất lớn. Người có trọng lượng 50kg chỉ cần ăn 2-3 con là bị ngộ độc có thể dẫn đến thiệt mạng.

Ốc bùn gai - loài được cho là có chất độc có thể dẫn đến tử vong nếu ăn phải

Ốc bùn bóng có tên khoa học là Nassarius glans và có hình dáng giống với ốc hương đen. Ốc bùn bóng thường sinh sống ở đáy biển ven bờ Việt Nam. Ốc bùn bóng có chứa độc tố Tetrodotoxin - một loại độc tố thần kinh cực mạnh. Loại độc tố này thậm chí vẫn tồn tại và gây độc kể cả khi thức ăn đã được chế biến.

Một số cảnh báo khác cũng đưa ra đối với khá nhiều loài ốc khác như: Ốc mặt trăng (turban), ốc đụn (the top of shells), ốc tù và (trumpet shells), ốc hương Nhật Bản (ivory snails), ốc trám (oliva)... (Trong hình là con ốc tù và có độc).

Có một số loài ốc khác tưởng chừng không có độc, nhưng thực tế lại tùy cơ địa dị ứng từng người. Ví dụ như ốc vôi ở các vùng Quảng Ninh, Hải Phòng… Nhiều người địa phương có thể ăn được, nhưng không có nghĩa là du khách ai cũng ăn được. Có nhiều trường hợp bị di ứng, tê lưỡi và ngứa miệng khi sử dụng loại ốc này.

Vì vậy, kinh nghiệm khi chọn đồ hải sản, nhất là các loài ốc trước hết phải biết cơ địa người sử dụng có dị ứng hải sản không? Hỏi kỹ về nguồn gốc, cách sử dụng, và nên chọn những món đã biết, đã dùng và theo dõi các dấu hiệu của cơ thể sau khi ăn.

Nên ăn khi đã nấu chín. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ bị ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

T.Fan

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/phat-hoang-vi-oc-bien-120750.html