Phạt học sinh đẽo gạch giữa nắng nóng: Giáo dục hay 'đày ải'?

Mới đây, cộng đồng mạng không khỏi xôn xao về những hình ảnh cùng thông tin cho rằng một trường THPT phạt học sinh cá biệt đẽo gạch giữa trời nắng nóng. Quan điểm giáo dục và trách phạt học sinh của nhiều giáo viên cũng có những cá tính riêng.

Cụ thể, một số hình ảnh cùng thông tin cho rằng nhóm học sinh cá biệt bị nhà trường phạt đẽo gạch trên mái lớp học giữa trời nắng nóng đã lan truyền trên mạng xã hội. Những hình ảnh đó đã được chụp tại trường THPT Nguyễn Trãi (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).

Trước những ý kiến trái chiều xoay quanh hình thông tin phạt học sinh đẽo gạch trên, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đã bày tỏ: “Về nguyên tắc, thứ nhất, việc giúp đỡ những học sinh yếu kém, cá biệt đòi hỏi phải có một quá trình thông qua các biện pháp giáo dục, chứ không thể chỉ dùng hình phạt như vậy, nhất là dùng việc này việc kia, thực sự không thể khiến các học sinh đó thay đổi được ngay đâu.

Hình ảnh được cho rằng nhóm học sinh cá biệt bị nhà trường phạt đẽo gạch trên mái lớp học giữa trời nắng nóng.

Hình ảnh được cho rằng nhóm học sinh cá biệt bị nhà trường phạt đẽo gạch trên mái lớp học giữa trời nắng nóng.

Thứ hai, thầy cô và nhà trường có thể dùng những hình thức kỷ luật để buộc học sinh phải chịu trách nhiệm về cách làm của bản thân, chứ cũng không thể chỉ nói miệng không được. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, phải làm sao cho hình thức kỷ luật phải có ý nghĩa giáo dục, chứ không phải chỉ là một sự “đày ải” hay thể hiện sự thù ghét học sinh. Trên cơ sở đó, những người làm giáo dục phải biết được, để áp dụng”.

Với tư cách là một nhà tâm lý giáo dục, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhận định: “Việc nhà trường cho các em học sinh lao động trên cao vào những ngày nắng nóng, lại không có trang phục, phương tiện bảo hộ như vậy, thực sự rất nguy hiểm mà có thể bản thân nhà trường cũng chưa lường hết được.

Trong giáo dục, khi học sinh làm sai, mức lỗi, có thể có hình thức phạt để các em nhận ra lỗi sai của mình và chuộc lỗi, nhưng dứt khoát không phải là “đày ải” hay bóc lộc sức lao động”.

“Với thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ hơn 40 độ như này mà để học sinh đi đẽo gạch thì việc chỉnh đốn học sinh cá biệt là cần thiết nhưng phạt như thế nào để thay đổi và chuộc lỗi, nếu chỉ áp dụng biện pháp “đày ải” thì sẽ không bao giờ thay đổi được suy nghĩ và hành động sai lầm, học sinh có thể sẽ càng có những biểu hiện tức tối, chống đối, dẫn đến nguy cơ “phản giáo dục”, ông nhấn mạnh thêm.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, hình phạt trên là sự "đày ải" học sinh, dễ dẫn đến phản giáo dục.

Đồng tình với quan điểm của TS. Nguyễn Tùng Lâm, cô Trương Minh Châu, giáo viên một trường THPT tại Đồng Nai cũng cho rằng, hình phạt như trên có vẻ quá nặng nề đối với các học sinh: “Nhà trường có thể cho các em chép phạt, lao động dọn dẹp lớp học, sân trường, phòng học thể chất hay trồng cây,... còn việc để các em mạo hiểm lao động cực nhọc trên mái nhà gữa trời nắng gắt sẽ là một nguy cơ rất cao về mất án toàn. Lỡ có sơ sảy, nhà trường không chịu trách nhiệm được”.

Ngay sau khi những hình ảnh cùng thông tin trên được đăng tải trên mạng, đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Không ít tài khoản cho rằng việc nhà trường phạt học sinh “lao động công ích” là hoàn toàn bình thường.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và phát triển Công tác xã hội, khoa Xã hội học, trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng: “Thực chất, đối với các hình thức phạt học sinh, theo tôi, thầy cô và nhà trường đều phải có sự thông báo từ trước cho học sinh cũng như phụ huynh học sinh. Sau khi thống nhất với hình phạt đó, học sinh mà vi phạm thì xử phạt như vậy thì không có vấn đề gì và hoàn toàn mang tính chất răn đe, đảm bảo để các học sinh nhận ra hậu quả của việc vi phạm.

Hình phạt theo kiểu lao động công ích như thế này, tôi nghĩ là vẫn có thể chấp nhận, bởi đã có sự thông báo từ trước: “Nếu học sinh vi phạm nội quy thì áp dụng hình phạt, đẽo gạch ở trên mái nhà dưới trời nắng nóng”. Từ đó, các em có quyền chọn lựa hành vi ứng xử nếu không muốn bản thân phải thực hiện hình phạt trên.

Hình phạt kiểu lao động công ích cũng góp phần giúp học sinh cảm nhận nỗi cực khổ mà từ đó nghiệm ra mà thay đổi cách hành xử”.

“Tuy nhiên, nếu hình phạt đó chưa được thông báo từ trước và chỉ xuất hiện tùy ý ngay sau khi có học sinh phạm lỗi thì hình phạt này cần phải cân nhắc thật kỹ. Như thế sẽ đặt học sinh vào thế bị động, ép buộc hình phạt và các em không có quyền lựa chọn”, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa khẳng định.

Một lãnh đạo trường THPT Nguyễn Trãi xác nhận vụ việc trên và cho biết sẽ đưa ra hình thức kỷ luật với người yêu cầu học sinh cá biệt lên mái nhà đẽo gạch.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/pha-t-ho-c-sinh-de-o-ga-ch-giu-a-na-ng-no-ng-gia-o-du-c-hay-da-y-a-i-a437737.html