Phạt học sinh không thể dùng cách đe dọa, ép buộc

Môi trường giáo dục chính là nơi giúp học sinh hoàn thành nhân cách, tri thức trở thành người có ích cho xã hội. Đó là mong muốn của bất kì xã hội nào trên thế giới này, mà Việt Nam không là ngoại lệ.

Những "sự cố học đường" gần đây mà giáo dục gặp phải: cô giáo bắt trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng, dọa học sinh cho ngậm dép hay dạy mà không nói câu nào với học sinh... gây nên sự bức xúc lớn với cả xã hội.

Học sinh vui vẻ chấp hành "án phạt" của nhà trường ở Lâm Đồng

Học sinh vui vẻ chấp hành "án phạt" của nhà trường ở Lâm Đồng

Còn những vấn đề xã hội và gia đình tác động đến môi trường giáo dục cần bàn đến nhưng bài viết này được nhìn dưới góc độ xã hội học văn hóa, cho thấy thêm một góc nhìn về giáo dục hiện nay.

Những ngày tháng 4-2018, học sinh trường THPT Hùng Vương, Lâm Đồng đã biến hình phạt do vứt rác không đúng nơi qui định bằng việc sơn bậc thang của nhà trường đầy sống động và nổi tiếng hơn khi truyền thông truyền tải.

Từ việc không vui khi bị phạt, những học sinh này cảm thấy hạnh phúc và với công chúng, truyền thông thì hình phạt đầy tính nhân văn. Phạt học sinh đòi hỏi một nghệ thuật ứng xử chứ không bằng cách đe dọa hay vượt quá giới hạn. Để làm được điều đó, giáo viên cần hiểu rõ hơn về môi trường giáo dục nhà trường là gì?

Môi trường giáo dục nhà trường giúp cho học sinh hòa nhập xã hội, tương thích với các mối quan hệ xã hội. Trường học xây dựng các hệ thống kỷ luật để giúp học sinh hình thành thói quen kỷ luật, phong cách ứng xử hay cách thể hiện bản thân, đó là đặc tính xã hội mà môi trường giáo dục cơ sở cần quan tâm.

Vào đại học thì tính kỷ luật được nới ra để sinh viên hoàn thiện bản thân, tiếp nhận kiến thức tinh hoa mới đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của xã hội. Môi trường này chính là nguyên tắc tương hợp.

Nguyên tắc tương hợp trong giáo dục chính là quan hệ của giáo viên với học sinh, học sinh và học sinh, học sinh với học tập. Nói rõ đó chính là bản sao của phân công lao động thu nhỏ. Mối quan hệ tương hợp càng nhiều thì mới có được hiệu quả trong giáo dục.

Hệ thống nhà trường hoạt động dựa trên sự phân công lao động đó thông qua hệ thống giảng dạy, phân loại và thưởng phạt học sinh. Đây là việc làm thường xuyên, thưởng phạt nghiêm minh giúp học sinh thích nghi với các kiểu quan hệ xã hội tương ứng sau này và phát triển nhu cầu cá nhân theo những chuẩn mực cần thiết với từng cấp học. Giáo dục cơ sở định hình căn bản tính cách giúp học sinh hoàn thiện nhân cách sống, để các em bước vào đời.

Trên nguyên tắc tương hợp, nhà trường xét các hoạt động của học sinh, đưa ra các hệ thống nội qui tương ứng. Học sinh luôn được nhắc nhở nội qui và tuân thủ. Hệ thống thưởng phạt nghiêm minh, rõ ràng nhưng đầy tính nhân văn sẽ buộc học sinh và giáo viên phải làm theo.

Yếu tố này giúp cho các trường học xây dựng các mục tiêu, tầm nhìn và sứ mạng của mình, trong đó mục tiêu tối thượng là hình thành nhân cách học sinh. Tóm lại, giáo dục cơ sở là nền tảng giúp học sinh hình thành nhân cách thông qua hệ thống tri thức truyền đạt hình thành nhân cách của con người.

Trường học là nơi giáo viên, học sinh phải thấm nhuần mục tiêu, tầm nhìn và sứ mạng của nhà trường mà phụng sự. Với người giáo viên, nếu không thấm nhuần thì sẽ cố chấp để đạt được mục đích mà khước từ những tương hợp xung quanh, thậm chí thể hiện những hình phạt phản khoa học với học sinh.

Người giáo viên thực sự chính là người luôn cân nhắc các mục đích của mình, hiểu rõ kết quả của hành động mang lại. Giáo dục chính là dạy người học những bài học làm người rồi mới đến giáo dục tinh hoa (tri thức, nghề ở bậc đại học). Người thiếu tâm huyết sẽ thiếu ý chí hoặc buông thả và tự lừa dối mình về những hệ quả do các hành động thiếu ý thức của họ mang lại.

Người giáo viên ngộ nhận quyền lực của mình và luôn thị uy tinh thần, kìm nén qui luật tự nhiên, ép buộc sự vâng lời, hành hạ thể xác, bắt học sinh thực hiện những việc làm gây tổn hại đến tinh thần và thể xác nhân danh kỷ luật để học sinh tuân thủ mà quên đi việc hướng đến năng lực tự nhận thức việc làm đúng hay sai của học sinh. Người giáo viên phải có chủ tâm, cân nhắc hành động của mình trong việc kỷ luật học sinh có chừng mực mới loại trừ được những hình phạt phản cảm, gây bức xúc dư luận.

Thưởng phạt là một nghệ thuật, nó hướng đến giá trị nhân văn và thấm nhuần văn hóa học đường, chung qui hướng đến hoàn thiện con người thông qua quá trình "xã hội hóa". Ở môi trường "xã hội hóa" cao nhất, nhà trường có nhiệm vụ gây hứng thú học tập, tìm hiểu, xây dựng hệ thống giá trị chuẩn mực và tính trung thực của học sinh.

Lúc này học sinh có thể chấp nhận hay không chấp nhận "xã hội hóa" hay cố gắng thay đổi nó. Người giáo viên phải thấu hiểu quá trình này, nhận thức nhận ra tâm lý học sinh để xây dựng chiến lược tiếp cận, tạo nên tình thương của người học đối thầy cô giáo.

Từ đây, có thể thấy nhà trường mở rộng quyền hạn của mình kiểm soát các hành động vi phạm của học sinh bằng cách phối hợp với phụ huynh, cộng đồng thì mới có thể thực hiện tốt kỷ luật đối với học sinh, đồng thời thầy cô giáo cũng có những căn cứ mà xử phạt hơn là hành động "không nói", "uống nước giẻ lau bảng" như đã xảy ra.

Trường THPT Hùng Vương, Lâm Đồng đã tạo ra một hiện tượng đầy tính nhân bản. Nhà trường không những xây dựng được hình ảnh mà còn giúp học sinh có trách nhiệm với bất kỳ hành động phá hoại nào xảy ra trong trường.

Đây là điển hình cần nhân rộng khi các "sự cố học đường" liên tiếp xảy ra. Nhà trường và giáo viên cần thay đổi cho phù hợp nhận thức văn hóa học đường và nhu cầu xã hội, nếu không sẽ xảy ra xung đột và đó là nguyên nhân dẫn đến "sự cố học đường" gần đây.

Th.S Bùi Việt Thành - Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội&Nhân văn TP HCM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/phat-hoc-sinh-khong-the-dung-cach-de-doa-ep-buoc-20180503095624278.htm