Phạt học sinh quỳ trước lớp là hành vi lạm quyền

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, giáo viên bắt học sinh quỳ gối trước bục giảng là việc làm không đúng với thẩm quyền, không tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định pháp luật.

Ngày 10/5, mạng xã hội xôn xao về hình ảnh nam sinh bị cô giáo bắt phạt quỳ ngay giữa giờ học nhưng em này phản đối, không quỳ theo yêu cầu của giáo viên. Theo đơn kiến nghị của phụ huynh đăng trên mạng xã hội, học sinh vi phạm quy định của lớp, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu, yêu cầu 2 em quỳ ngay trước bục giảng. Trong đó, một học sinh không chấp nhận quỳ nên bị cô đuổi ra khỏi lớp.

Liên quan đến sự việc, Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín (Hà Nội) cũng đã đình chỉ công tác một tuần đối với cô giáo bắt học sinh quỳ gối. Tuy nhiên, sự việc cũng dấy lên nhiều tranh luận trên cộng đồng mạng khi cho rằng giáo viên lạm quyền, phạt như vậy không khác gì làm nhục học sinh và vi phạm quy định. Song, nhiều ý kiến lại đồng tình với hình thức phạt này vì cho rằng học sinh hư nếu không phạt sẽ không hối lỗi, sửa sai...

Hình ảnh nam sinh quỳ gối trong lớp học gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cho hay, hiện nay, việc kỷ luật học sinh được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 08/TT, ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT. Trong đó quy định chỉ có 5 hình thức kỷ luật đối với học sinh và giáo viên chỉ được thực hiện hình thức kỷ luật là cảnh cáo. Còn các hình thức kỷ luật khác do hội đồng kỷ luật và hiệu trưởng quyết định.

Cụ thể, mục III, của thông tư số 08/TT quy định các hình thức kỷ luật bao gồm: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ, đuổi học một năm. Như vậy, theo quy định của pháp luật, ngoài 5 hình thức kỷ luật học sinh nêu trên, giáo viên, hội đồng kỷ luật và hiệu trưởng nhà trường không được phép áp dụng bất cứ hình thức kỷ luật nào khác. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật học sinh phải thực hiện đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục luật định.

Ngoài ra, dưới góc độ nhìn nhận sự việc ở giải quyết tình huống, luật sư Cường cũng cho rằng, cô giáo bắt học sinh quỳ gối trước bục giảng và tự ý đuổi học sinh ra khỏi lớp là việc làm không đúng với thẩm quyền, không đúng với hình thức kỷ luật, cũng như không tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định pháp luật.

Phòng Giáo dục và hiệu trưởng của trường này cần có trách nhiệm xem xét, làm rõ hành vi của cô giáo để có những hình thức xử lý kỷ luật theo quy định của luật viên chức. Qua vụ việc này cần tuyên truyền, phổ biến và thống nhất áp dụng hình thức kỷ luật học sinh theo đúng quy định của pháp luật, tránh việc lợi dụng, lạm dụng các hình thức kỷ luật để xâm hại quyền được học tập của học sinh, cũng như xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của học sinh.

“Những trường hợp giáo viên cố tình không thực hiện quy định của Luật Giáo dục, gây ảnh hưởng uy tín, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh, phụ huynh và nhà trường, thì có thể áp dụng hình thức kỷ luật ở mức độ cao nhất là buộc thôi việc” – luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ thêm.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/phat-hoc-sinh-quy-truoc-lop-la-hanh-vi-lam-quyen-2019051313241326.htm