Phát huy các công trình thủy lợi, cấp nước tập trung

BPO - Bình Phước có thế mạnh phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất lớn, màu mỡ, khí hậu ôn hòa, khoảng 70% dân số sinh sống ở nông thôn. Nhiều năm qua, việc đầu tư xây dựng, khai thác hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt luôn được chú trọng. Bởi “nước là tài nguyên quan trọng thứ 2 sau con người” và thủy lợi là cái gốc để phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Bài 1:
GIẢI “CƠN KHÁT”

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng ngày càng lớn của các hoạt động sử dụng nước, tác động của biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Xác định tầm quan trọng đó, những năm qua tỉnh Bình Phước đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất, nhất là giải “cơn khát” trong mùa khô này.

Nước vào tận ruộng

Xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh có hơn 100 ha đất trồng lúa nước nhưng do trước đây hệ thống hồ đập, kênh mương chưa được đầu tư xây dựng nên việc sản xuất dựa vào nước trời là chính. Từ khi được đầu tư xây dựng đồng bộ công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương đưa nước tưới từ đập dâng Cần Lê vào tận ruộng, người dân đã chủ động hơn trong sản xuất. Nguồn nước tưới dồi dào không chỉ đảm bảo tăng vụ mà năng suất, chất lượng cũng cao hơn, tạo niềm vui, sự phấn chấn cho hàng trăm hộ dân nơi đây.

Ông Lâm Khên ở ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh phấn khởi khi công việc đồng áng của bà con nay đã thuận lợi hơn trước. Ông nói: “Lúc trước bà con vất vả lắm, nước chảy chậm, phải mất 3 tiếng đồng hồ nước mới vào đến ruộng. Thế nhưng hiện nay, sau khi hệ thống kênh mương được xây dựng, chỉ cần 30 phút là có nước. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã giúp người dân có nước sản xuất nông nghiệp nên ai cũng vui. Nguồn nước dồi dào không chỉ tăng từ 1 lên 3 vụ/năm mà năng suất lúa cũng tăng, đạt từ 4 đến 5 tấn/ha”.

Hồ Lộc Quang, huyện Lộc Ninh hiện cung cấp nước tưới cho hàng trăm héc ta lúa trên địa bàn

Với dung tích 6 triệu mét khối nước, hồ Lộc Quang là nơi cung cấp lượng nước lớn cho người dân huyện Lộc Ninh phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước tích trữ dồi dào, hệ thống kênh mương xây dựng đồng bộ, cùng với công tác quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả đã điều tiết xả nước giúp người dân xuống giống cũng như phục vụ cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Điều đó đồng nghĩa với năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp cùng đời sống người dân được nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Búi ở ấp 5, xã Lộc Quang, người được mệnh danh là “vua trồng lúa nước” ở huyện Lộc Ninh, cho biết: Từ khi có hệ thống thủy lợi, nguồn nước dồi dào nên nông dân đã làm được 3 vụ/năm. Đặc biệt đối với khu đất của các hộ dân tộc thiểu số, trước đây phần lớn bỏ hoang hoặc trồng 1 vụ/năm thì nay quanh năm đều canh tác lúa. Không chỉ vậy, người dân còn đưa vào trồng các giống lúa mới chất lượng, thơm ngon cung ứng cho thị trường.

Hiện trên địa bàn huyện Lộc Ninh có 13 công trình hồ, đập phát huy khá hiệu quả, trong đó hồ Lộc Quang là hiệu quả nhất. Các công trình thủy lợi đã cấp nước tưới cho khoảng 5.000 ha lúa nước và khoảng 20.000 ha cây trồng khác. Qua đó góp phần ổn định cuộc sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Hồ Lộc Quang mang lại hiệu quả rất lớn với bà con nông dân, đảm bảo nguồn nước tưới cho 235 ha lúa nước và khoảng 2.000 ha cây trồng khác. Ngoài đầu tư xây dựng 16km kênh mương dẫn nước, xã còn vận động người dân thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm bằng công nghệ nhỏ giọt và tăng cường nạo vét kênh mương để giữ nguồn nước lâu dài, không để khô hạn đối với diện tích trồng lúa.

Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Quang
VŨ VĂN KHANH

Đột phá chuyển đổi cơ cấu cây trồng

So với các địa phương khác, Bù Đốp là huyện thuần nông nên việc đầu tư, xây dựng, quản lý các công trình thủy lợi cũng như khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ sản xuất luôn đóng vai trò rất quan trọng. Bởi trước đây, mỗi khi mùa khô đến, tình trạng thiếu nước sản xuất thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Đối phó với khô hạn, không ít hộ dân đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để khoan giếng, tìm nguồn nước tưới cho cây trồng nhưng tình hình không mấy cải thiện. Từ khi các công trình thủy lợi trên địa bàn chính thức vận hành thì không chỉ “giải hạn” mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, nhiều cánh đồng bỏ hoang hoặc sản xuất nhờ nước trời nay trở nên xanh tốt quanh năm.

Nguồn nước tưới dồi dào là tiền đề để gia đình ông Trần Văn Bình, ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp sản xuất hoa màu quanh năm

Có 5 sào đất, trước đây nhà nông Trần Văn Bình ở ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình chỉ trồng 1 vụ lúa nước vào mùa mưa nhưng không mấy hiệu quả. Khoảng 4 năm trở lại đây, khi công trình thủy lợi sau Cần Đơn đưa vào vận hành, sử dụng, ông Bình đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa màu để tăng thu nhập. Nhờ nguồn nước dồi dào nên vườn hoa màu của gia đình ông luôn xanh tốt, có sản phẩm thu hoạch quanh năm.

Hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn, huyện Bù Đốp tạo nguồn nước tưới dồi dào cho hàng ngàn héc ta cây trồng ở địa phương

Hiện trên địa bàn huyện Bù Đốp có 6 hồ, đập và 3 công trình chứa nước lớn phục vụ sản xuất. Đặc biệt, hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn có 42,898km kênh mương, trong đó 17,962km kênh chính và 24,936km kênh nhánh dẫn nước đến các xã, thị trấn khu vực phía Nam của huyện. Lưu lượng nước luôn đảm bảo tưới tiêu cho 2.929 ha cây trồng các loại, trong đó tưới tự chảy 1.294 ha, tưới động lực 1.005 ha. Nhờ đó, dọc tuyến kênh mương thủy lợi sau Cần Đơn là hàng trăm héc ta lúa nước của nông dân các xã, thị trấn: Thanh Bình, Thanh Hòa, Tân Tiến, Tân Thành.

Ngoài hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn, trên địa bàn huyện Bù Đốp còn có 2 công trình chứa nước lớn là đập tràn M26 (xã Phước Thiện) và hồ chứa Bù Tam (xã Hưng Phước), cùng nhiều công trình thủy lợi khác. Các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương đã đáp ứng tưới tiêu cho hơn 2.000 ha lúa nước, 3.000 ha hoa màu và khoảng 8.000 ha cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm.

Ông Nguyễn Anh Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp (nay là Phó Giám đốc Sở Tài chính) cho biết: Huyện đang đi đúng hướng với mục tiêu giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp từ 59% xuống còn 53% và tăng chất lượng, sản lượng ngành nông nghiệp lên, dự kiến khoảng 1,3 lần so với đầu nhiệm kỳ. Và việc quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống thủy lợi là tiền đề để huyện thực hiện thắng lợi chương trình đột phá “chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm nông nghiệp”.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/141704/phat-huy-cac-cong-trinh-thuy-loi-cap-nuoc-tap-trung