Phát huy các công trình thủy lợi, cấp nước tập trung

Bài cuối:
CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

BPO - Hiện nay, hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, vận hành cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng như phục vụ sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, đâu đó việc khai thác nguồn tài nguyên này hiện vẫn chưa tương xứng với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như người dân, doanh nghiệp. Vì thế, cần có lộ trình đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp từ nhiều nguồn vốn, đồng thời nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội.

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Hiện nay, Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước được UBND tỉnh giao quản lý, khai thác 56 công trình thủy lợi, trong đó có 48 hồ chứa với tổng dung tích 95 triệu mét khối nước. Ngoài cung cấp nước cho cây trồng, các công trình còn tạo nguồn để cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp với công suất 93.000m3/ngày đêm. Đặc biệt, những năm gần đây, công ty đã tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp khai thác nguồn nước để trồng chuối quy mô lớn như tại Đồng Phú 496 ha, Lộc Ninh 100 ha và nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao khác. Đây cũng là giải pháp nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đồng thời hạn chế sử dụng mạch nước ngầm có nguy cơ giảm sút do biến đổi khí hậu như hiện nay.

Các công trình hồ, đập trên địa bàn tỉnh do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, vận hành phát huy hiệu quả

Chủ tịch Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước Đặng Đình Thuần cho biết: Đơn vị đang ưu tiên phát triển các công trình thủy lợi đa mục tiêu nhằm phục vụ tốt nhất cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt, đồng thời duy trì, ưu tiên nguồn nước phục vụ các đồng lúa đảm bảo mục tiêu về an ninh lương thực cũng như các khu vực đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao. Gắn với đó là tăng cường tuyên truyền người dân, doanh nghiệp bảo vệ hồ đập, tránh thất thoát nguồn nước cũng như lấn chiếm hành lang, xả thải trái phép gây ô nhiễm.

Cùng với các hồ đập, Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước còn được UBND tỉnh giao quản lý 16 công trình cấp nước tập trung, chiếm 35% tổng số các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh với chất lượng nguồn nước đạt tiêu chuẩn về nước sạch sinh hoạt của Bộ Y tế đề ra. Tuy phát huy hiệu quả nhưng đến nay các công trình cấp nước nông thôn do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý mới chỉ cung cấp cho khoảng 5.000 hộ dân, trong khi nhu cầu rất lớn.

Nhận diện từ các công trình ở Bù Đăng

Bù Đăng hiện có 20 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó 11 công trình do UBND tỉnh đầu tư, 9 công trình thuộc Chương trình 134 của Chính phủ do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư. Trong số 20 công trình thì 3 công trình do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, vận hành; số còn lại do UBND các xã quản lý, khai thác.

Nguồn nước dồi dào là điều kiện để người dân trồng lúa từ 1 lên 3 vụ/năm và chuyển đổi sang nhiều giống lúa mới chất lượng cung ứng thị trường

Theo đánh giá của UBND huyện Bù Đăng, các công trình do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, vận hành đều hoạt động tốt, số hộ sử dụng nước ngày càng tăng; công trình thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng; nhân viên quản lý, vận hành các công trình có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; việc thu phí dịch vụ sử dụng nước theo đơn giá quy định. Một số công trình thu không đủ chi, công ty chủ động quản lý, điều tiết qua lại, từ đó việc vận hành được xuyên suốt, nhận được sự đồng thuận của người dân. Ngược lại, qua kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả và mức độ hư hỏng của các công trình do UBND cấp xã quản lý, vận hành, UBND huyện Bù Đăng xét thấy việc quản lý, sử dụng các công trình chưa tốt. Một số nguyên nhân được nêu ra là người dân sử dụng nước không đóng tiền (đối với các công trình được đầu tư tại khu vực có đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống), thu phí dịch vụ sử dụng nước không đủ bù chi, từ đó ảnh hưởng đến việc quản lý, vận hành các công trình. Công trình không được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên nhanh xuống cấp, trong đó nhiều công trình đã ngưng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Để phát huy hiệu quả các công trình, đảm bảo cấp nước đầy đủ, liên tục, huyện Bù Đăng kiến nghị UBND tỉnh bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tại thôn 2, xã Đức Liễu và 9 công trình cấp nước sinh hoạt thuộc Chương trình 134 của Chính phủ do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư. Đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh sớm nghiệm thu, bàn giao công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Thọ Sơn. Công trình đã đầu tư nâng cấp từ năm 2017, hoàn thành năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa nghiệm thu, đưa vào vận hành.

Phát huy hiệu quả bền vững

Theo Chủ tịch Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước Đặng Đình Thuần, việc sử dụng nước của người dân nông thôn không đều, chủ yếu vào mùa khô, mùa mưa sử dụng nước giếng nên nguồn thu ít, không đủ kinh phí tái đầu tư, mở rộng. Trong khi đó, phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xây dựng từ lâu đã xuống cấp, một số công trình do nhu cầu sử dụng tăng đã hết công suất. Vì vậy, cần có nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, đảm bảo chất lượng và mở rộng mạng lưới để phục vụ nhiều hộ dân.

Công trình cấp nước tập trung xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý phát huy hiệu quả

Về giải pháp lâu dài, bền vững, ông Đặng Đình Thuần cho biết sẽ thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong Đề án nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi, khai thác nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đơn vị sẽ rà soát, đánh giá lại các công trình cấp nước sạch nông thôn, xác định nhu cầu của người dân, báo cáo UBND tỉnh ưu tiên sửa chữa, nâng cấp công trình có quy mô vừa và lớn. Những công trình này có đủ lượng khách hàng, nguồn kinh phí thu được hằng tháng đảm bảo chi phí vận hành, tái đầu tư mở rộng thì lúc đó công trình mới phát huy hiệu quả, bền vững. Đồng thời sẽ ưu tiên xây dựng công trình sử dụng nước mặt các hồ, đập thủy lợi, hạn chế sử dụng mạch nước ngầm.

Ông Đặng Đình Thuần cũng lưu ý: “Một trong những giải pháp hiệu quả là phối hợp các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh truyền thông nhằm nhân rộng đơn vị làm tốt việc quản lý, vận hành, khai thác. Qua truyền thông sẽ nâng cao nhận thức của người dân về tăng cường sử dụng nước sạch đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó cũng là giải pháp làm tăng nguồn thu - điều kiện để các công trình phát huy hiệu quả bền vững”.

Đầu tư xây dựng các công trình với kinh phí lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn thường kéo dài nên rất ít doanh nghiệp quan tâm. Vì vậy, tỉnh cần có các chính sách ưu đãi để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các công trình cấp nước nông thôn. Ngoài ra, phải huy động các nguồn vốn lồng ghép trong xây dựng nông thôn mới, cộng đồng xã hội trong phát triển mạng lưới đường ống... Khi có chính sách tốt, cách làm sáng tạo thì sẽ huy động được nhiều nguồn lực cùng chung tay xây dựng các công trình nước sạch và quản lý, khai thác hiệu quả.

Chủ tịch Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước
ĐẶNG ĐÌNH THUẦN

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/141755/phat-huy-cac-cong-trinh-thuy-loi-cap-nuoc-tap-trung