Phát huy cao nhất trách nhiệm người đại biểu dân cử

Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, tích cực, chủ động, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy cao nhất trách nhiệm của người đại biểu dân cử, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV. Qua đó, góp phần để Quốc hội có những quyết sách quan trọng tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực, chủ động đóng góp ý kiến

Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV trải qua 22,5 ngày làm việc với khối lượng công việc lớn, cường độ làm việc cao, các ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã tham gia đầy đủ các phiên họp, các hoạt động của các cơ quan Quốc hội với 29 buổi thảo luận hội trường, 7 buổi thảo luận tổ, 1 buổi thảo luận đoàn và nhiều phiên họp toàn thể khác. Đoàn đã tích cực tham gia thảo luận với 32 lượt ý kiến về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; góp ý các dự án luật và nghị quyết. Đa số các ý kiến được chủ tọa đánh giá cao, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri cả nước nói chung, cử tri tỉnh Hà Tĩnh nói riêng về nhiều vấn đề được đông đảo dư luận quan tâm.

Đơn cử, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu đã phát biểu thẳng thắn, đánh giá những ưu điểm, kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về kết quả kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công giai đoạn 2021 - 2025.

Tại tổ thảo luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng băn khoăn về nhiều vấn đề, cụ thể: công tác cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu; một bộ phận không nhỏ cán bộ chưa thực sự tâm huyết; Chương trình Xây dựng nông thôn mới chưa thực sự chú trọng đến xây dựng văn hóa, chiều sâu văn hóa… Đại biểu cho rằng, cần thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết liên quan đến hoạt động đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định; thay đổi phương thức tuyển dụng công chức, viên chức thực chất hơn; quan tâm hơn nữa công tác an sinh xã hội, xây dựng nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ lĩnh vực văn hóa…

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh tham dự Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Q.Đức

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật, lần hai 1 luật, lần ba 1 luật. Bên cạnh đóng góp ý kiến trực tiếp tại các phiên thảo luận, Đoàn đã chủ động gửi văn bản góp ý tất cả các dự án luật và nghị quyết. Nhất là Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ... Các nội dung được các đại biểu tham gia góp ý chuyên sâu, mang tính xây dựng cao; nhiều nội dung được Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu.

Trong hoạt động chất vấn, các ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến việc xã hội hóa đầu tư phát triển giao thông vận tải hàng không và giảm thiểu tai nạn giao thông; chất vấn Chánh án TAND tối cao về giải pháp thực hiện các chỉ tiêu và đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp, hoạt động tòa án. Các đại biểucũngtham gia thảo luận về các báo cáo công tác tư pháp, đề xuất việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hòa giải đối thoại, đầu tư các điều kiện bảo đảm, chế độ, chính sách cho công tác hòa giải đối thoại...

Chuẩn bị “từ sớm, từ xa”

Bám sát quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, lấy chất lượng kỳ họp làm chính”, trước thềm Kỳ họp thứ Sáu, bên cạnh tổ chức TXCT, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã lấy ý kiến góp ý bằng văn bản các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, các đối tượng chịu tác động của chính sách, pháp luật. Các ý kiến góp ý được Đoàn tổng hợp kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi các đại biểu làm tư liệu để phục vụ tham gia thảo luận tại kỳ họp được tốt hơn.

Đáng chú ý, để có những ý kiến chất lượng, thiết thực góp ý vào các dự án luật và nghị quyết, Đoàn đã thu thập tài liệu, chủ động nghiên cứu, hợp đồng thuê chuyên gia, chuẩn bị nội dung thảo luận; phân công các đại biểu tập trung nghiên cứu và tham gia thảo luận một số nội dung theo lĩnh vực chuyên sâu, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tiếp tục hoàn thiện dự án luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, tích cực tham dự hội nghị ĐBQH chuyên trách xây dựng pháp luật, các phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra, cho ý kiến về các dự án luật và các nội dung quan trọng liên quan đến kỳ họp.

Nhờ sự chủ động, tích cực, chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã đóng góp thiết thực, hiệu quả vào thành công của kỳ họp, cùng Quốc hội đưa ra những quyết sách quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. "Thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phát huy cao nhất trách nhiệm người đại biểu dân cử, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh cũng như cả nước"- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.

Q. Đức - M. Hạnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/phat-huy-cao-nhat-trach-nhiem-nguoi-dai-bieu-dan-cu-i352209/