Phát huy giá trị di sản văn hóa

Đầu năm 2023 là giai đoạn sôi động của lĩnh vực văn hóa trên địa bàn quận Thanh Khê khi tổ chức thành công lễ hội cầu ngư, chuẩn bị tổ chức lễ hội đình làng Thạc Gián. Năm nay, hai lễ hội này được nâng tầm quy mô tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, giải trí và tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân.

Nâng tầm lễ hội cầu ngư

Năm 2021 và 2022 do ảnh hưởng Covid-19, lễ cầu ngư chỉ được thực hiện tại nhà thờ các phường Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, Xuân Hà, không tổ chức phần hội. Năm nay, trong điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi và sự mong đợi của người dân, lễ hội này được UBND quận Thanh Khê nâng tầm tổ chức, diễn ra trong 3 ngày (ngày 8 đến 10-2) với các nghi lễ truyền thống và nhiều hoạt động hội. Trong đó, phần lễ được tiến hành trang trọng, đầy đủ nghi thức cổ truyền như: lễ nghinh thần; lễ cầu an, cầu ngư; lễ cúng tạ.

Phần hội được tổ chức đan xen nhiều hoạt động văn hóa mang đậm tính dân gian của làng chài như: đan lưới, gánh cá, ngoáy thúng, ẩm thực “Mâm hương vị biển”, hát tuồng, hội bài chòi; những môn thể thao vận động trên biển như: biểu diễn dù lượn, mô-tô lướt sóng, bóng đá bãi biển... Ngoài ra, lễ hội còn có các gian trưng bày sản phẩm đặc trưng của các phường, sản phẩm chế biến từ thủy hải sản và triển lãm tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa là của Việt Nam”.

Lễ hội cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê là hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc sắc, gắn với đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân địa phương. Đây cũng là dịp để ngư dân cầu mong một năm trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang. Bà Phạm Thị Ảnh (trú phường An Khê, quận Thanh Khê) chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng, phấn khởi khi năm nay, lễ hội được quận tổ chức hoành tráng, quy mô. Tinh thần của người tham gia các hoạt động tại lễ hội cầu ngư năm nay cũng rôm rả, nhiệt huyết, tạo nên không khí sôi động, vui tươi. Qua lễ hội này, tôi chúc cho ngư dân nói riêng, người dân thành phố nói chung có 1 năm thắng lợi, bội thu, cùng nhau đoàn kết, đưa kinh tế Đà Nẵng ngày một phát triển”.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công, quận có chiều dài bờ biển hơn 4,3km, đời sống người dân gắn liền nền kinh tế biển lâu đời. Nhằm phát huy hoạt động lễ hội đúng hướng, lành mạnh, vừa văn minh, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, UBND quận cùng với các phường ven biển đã nâng tầm tổ chức lễ hội cầu ngư với quy mô, hình thức và nhiều hoạt động phong phú. Để tổ chức được lễ hội năm nay, địa phương đã thành lập Ban tổ chức lễ hội, phân công, chuẩn bị nhiều nội dung từ năm 2022. Đồng thời, tổ chức đội ngũ hậu cần, phân công lực lượng bảo đảm về an ninh trật tự và các vấn đề liên quan để lễ hội diễn ra thuận lợi, thành công. Sự thành công của lễ hội này là minh chứng cho những nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa; đồng thời, là bằng chứng vật chất, tinh thần xác thực về ứng xử với biển, đảo của người dân Thanh Khê từ bao đời nay. “Sau phần lễ chính, quận phát động các ngư dân, thuyền bè ra khơi đầu năm để cầu mong một năm may mắn, bội thu, mưa thuận gió hòa, đời sống nhân dân bình yên, no ấm”, ông Công bày tỏ.

Phát huy di sản, di tích văn hóa - lịch sử

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Khê, trong hai ngày 6 và 7-3, địa phương tiếp tục tổ chức lễ hội đình làng Thạc Gián lần thứ 7 năm 2023 với nhiều hoạt động hấp dẫn, đa dạng hơn những năm trước. Cụ thể, phần lễ giữ nguyên nét truyền thống với lễ tế cáo tiền hiền, tế xuân, lễ vọng, tế trời đất, tế âm linh và lễ tạ do chư phái tộc làng Thạc Gián thực hiện. Phần hội là các hoạt động văn hóa, thể thao mang tính cộng đồng, bản sắc văn hóa dân gian. Trong đó, ngoài các hoạt động quen thuộc như: thi cờ làng, viết chữ đẹp, viết thư pháp, têm trầu cánh phượng thì còn có nhiều hoạt động mới như: giao lưu đêm thơ, trình diễn áo dài truyền thống, thi vật tay, nấu xôi, thả chim bồ câu…

Đến nay, UBND quận Thanh Khê đã phân công, triển khai nhiệm vụ đến các phường và đơn vị có liên quan để chuẩn bị công tác tổ chức. Trong đó, chủ trương xây dựng lễ hội vươn tầm cấp quận, để lại dấu ấn trong lòng người dân toàn thành phố và du khách đến tham gia. Đồng thời bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa địa phương, đặc biệt là giá trị của di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đình Thạc Gián.

Ông Nguyễn Ngọc Nghĩ, Trưởng ban lễ làng Thạc Gián cho biết, trở lại sau 2 năm ảnh hưởng của Covid-19 nên năm nay, các tộc họ, bà con dân làng Thạc Gián rất phấn khởi, mong chờ lễ hội này. Do vậy, nhiều công tác tổ chức đã được hội đồng chư phái tộc chuẩn bị từ trước Tết Nguyên đán. Năm nay, một điểm khác là lễ hội được tổ chức sớm hơn, nhằm vào rằm tháng 2 âm lịch (mọi năm tổ chức vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch). “Hiện nay, công tác vệ sinh đình làng đã hoàn thành, chuẩn bị sơn lại đình để kịp tổ chức lễ hội. Các tộc họ cũng đã thông báo cho con cháu ở xa biết ngày để về tham gia lễ hội, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với tổ tiên”, ông Nghĩ nói.

Dự kiến trong năm nay, thành phố cũng sẽ triển khai trùng tu đình làng Thạc Gián để bảo tồn tốt di tích cấp quốc gia này. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công cho biết, hiện một số cảnh quan, sân vườn, cổng ngõ của đình bị xuống cấp nên quận đã họp với các chư phái tộc, bà con dân làng về phương án trùng tu, bảo đảm phù hợp, xứng đáng với di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã khảo sát, làm việc với quận về vấn đề này, đồng thời lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan trước khi tiến hành cải tạo, trùng tu.

“Việc nâng tầm lễ hội, trùng tu đình Thạc Gián nhằm mục đích bảo tồn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương, đặc biệt là giá trị của di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Qua đó, nâng cao nhận thức bảo vệ, gìn giữ giá trị lịch sử cha ông để lại trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”, ông Công nhấn mạnh.

XUÂN DŨNG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5414/202302/phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-3938472/