Phát huy giá trị di tích cách mạng

Ðịa bàn Hà Nội hiện có khoảng 300 di tích, địa điểm cách mạng, kháng chiến được kiểm kê, gắn biển. Trong đó, nhiều di tích liên quan trực tiếp đến phong trào Cách mạng của Thủ đô và quá trình ra đời, phát triển của Ðảng bộ TP Hà Nội. Bảo tồn, phát huy giá trị những di tích này là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với THẾ HỆ cha anh đi trước.

Du khách tham quan Di tích nhà số 5D Hàm Long - nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: NHẬT NAM

Ðịa bàn Hà Nội hiện có khoảng 300 di tích, địa điểm cách mạng, kháng chiến được kiểm kê, gắn biển. Trong đó, nhiều di tích liên quan trực tiếp đến phong trào Cách mạng của Thủ đô và quá trình ra đời, phát triển của Ðảng bộ TP Hà Nội. Bảo tồn, phát huy giá trị những di tích này là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với THẾ HỆ cha anh đi trước.

Ngày 17-3-1930, Ban Chấp hành lâm thời của Ðảng bộ TP Hà Nội được thành lập. Nhưng những "hạt giống đỏ" của phong trào cách mạng Thủ đô đã được ươm mầm từ rất lâu trước đó. Sau khi Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tại Quảng Châu (Trung Quốc), nhiều thanh niên ưu tú của Hà Nội đã được cử sang học tập rồi về nước hoạt động cách mạng. Ngôi nhà số 5D phố Hàm Long (quận Hoàn Kiếm) trở thành nơi hoạt động của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Tháng 3-1929, tại nơi này đã diễn ra cuộc họp quan trọng, đưa ra quyết định thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Một trong tám đồng chí có mặt ở cuộc họp quan trọng ở Nhà 5D phố Hàm Long hôm ấy là đồng chí Ðỗ Ngọc Du. Tròn một năm sau, khi Ban Chấp hành Lâm thời của Ðảng bộ TP Hà Nội, đồng chí Ðỗ Ngọc Du được cử làm Bí thư Thành ủy đầu tiên của TP Hà Nội.

Ngôi nhà 5D Hàm Long, nơi đánh dấu sự phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam, nơi đồng chí Bí thư Thành ủy đầu tiên của Hà Nội từng tham gia nhiều hoạt động bây giờ là một "địa chỉ đỏ" về giáo dục truyền thống cách mạng. Không gian ngôi nhà cũng như nhiều hiện vật được Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội trân trọng gìn giữ nguyên vẹn như năm nào, từ bộ tràng kỷ khi các bậc tiền bối cách mạng dùng họp bàn công việc hệ trọng, cho đến tủ tài liệu hay chiếc giường các đồng chí từng sử dụng. Trưởng Ban Quản lý Di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết: "Từ năm 1959, nhà 5D phố Hàm Long được khôi phục làm nhà lưu niệm và đến năm 1964 thì được công nhận là di tích cách mạng. Ngôi nhà đã qua nhiều lần tu sửa, nhưng kết cấu kiến trúc cũ được bảo tồn, các đồ đạc còn lại gần như nguyên vẹn. Từ năm 2012, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội tiếp nhận quản lý di tích Nhà 5D Hàm Long. Những năm qua, rất nhiều cơ quan, trường học, khách tham quan đến đây để tìm hiểu những bài học lịch sử".

Phố Hàng Thiếc (quận Hoàn Kiếm) bây giờ đã đổi thay nhiều, nhưng có những dấu ấn sẽ mãi không phai. Ngôi nhà số 42 phố Hàng Thiếc này chính là nơi diễn ra cuộc họp thành lập Ban Chấp hành lâm thời của Ðảng bộ Hà Nội. Ngoài đồng chí Bí thư Ðỗ Ngọc Du, còn có hai đồng chí khác được bầu vào Ban Chấp hành là Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam. Ðến tháng 6-1930, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ trở thành Bí thư khi Thành ủy Hà Nội chính thức được thành lập. Ngôi nhà nằm khiêm tốn giữa con phố ồn ào, được giao cho người dân sử dụng. Nhưng nhiều năm trước, thành phố đã gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng, kháng chiến cho ngôi nhà. Một tấm biển bằng đá đỏ, chữ vàng được gắn trang trọng ngay trước cửa nhà. Những ngày này, nhiều lão thành cách mạng vẫn đến ngôi nhà để ôn lại những năm tháng hào hùng. Chị Nguyễn Thanh Thủy, người làm việc gần ngôi nhà chia sẻ: "Mặc dù không phải là di tích lớn, nhưng người dân ở đây đều biết ý nghĩa của ngôi nhà trong sự phát triển của cách mạng trên địa bàn Hà Nội. Bản thân tôi cũng nhận thấy cần gìn giữ, tuyên truyền rộng rãi hơn về giá trị của di tích này". Phố Hàng Thiếc chỉ dài 136 m, không chỉ gắn với sự kiện ra đời của Ðảng bộ TP Hà Nội. Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, phố Hàng Thiếc là ranh giới phía tây của Liên khu I. Những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, mặc dù quân đội thực dân Pháp huy động xe tăng, máy bay dội bom, nhưng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã kiên cường giữ từng căn nhà, từng góc phố, ta và địch giành giật nhau từng thước đất, hàng trăm tên địch phải bỏ mạng. Thành phố đã cho gắn biển di tích lưu niệm tại bức tường nhà số 5 phố Hàng Thiếc để ghi lại chiến tích anh hùng đó.

Ðịa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 300 di tích, địa điểm cách mạng, kháng chiến được kiểm kê, gắn biển. Ngoài những di tích gắn liền với cuộc đời hoạt động của những lãnh tụ cách mạng, còn có nhiều di tích liên quan phong trào cách mạng của Hà Nội thời kỳ đầu, liên quan những đồng chí lãnh đạo đầu tiên của Ðảng bộ TP Hà Nội. Ngoài những di tích kể trên, còn phải kể đến di tích nhà số 312 phố Khâm Thiên (quận Ðống Ða) là nơi diễn ra hội nghị thành lập Ðông Dương Cộng sản Ðảng; di tích chùa Hương Tuyết (ngõ 205 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) là cơ sở hoạt động, hội họp của các đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh, Ðỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc…; nhà số 15 phố Hàng Nón (quận Hoàn Kiếm) là nơi Ðại hội đại biểu công nhân Bắc kỳ lần thứ nhất họp, quyết định thành lập Công hội Ðỏ Bắc Kỳ - tổ chức công đoàn đầu tiên tại Hà Nội năm 1929.

Có những di tích được Nhà nước quản lý, cũng có những địa điểm ghi dấu cách mạng sau này do nhân dân quản lý, sử dụng. Nhưng nhìn chung, nhân dân đều quan tâm, gìn giữ. Câu chuyện của gia đình bác Trần Gia Khánh ở 15 Hàng Nón là một thí dụ. Bác Khánh mua lại căn nhà số 15 Hàng Nón từ một chủ khác cách đây 30 năm. Nhưng bác luôn ghi nhớ chuyện xưa, căn dặn con cháu đây là nơi từng diễn ra những sự kiện quan trọng của phong trào cách mạng. Bác Khánh chia sẻ: "Tôi vẫn nói với các đồng chí lãnh đạo chính quyền rằng, nếu cấp trên có yêu cầu, tôi sẵn sàng dành một phòng làm phòng lưu niệm về hoạt động của các bậc tiền bối cách mạng khi xưa".

Giang Nam

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/43635902-phat-huy-gia-tri-di-tich-cach-mang.html