Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Yên Châu là huyện biên giới có 14 xã và 1 thị trấn, dân số trên 82.000 người, thuộc 5 dân tộc Kinh, Thái, Mông, Xinh Mun, Khơ Mú; trong đó, trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, huyện Yên Châu luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa, đời sống tinh thần và tạo việc làm, thu nhập cho đồng bào dân tộc.

Đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Thàn, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu gìn giữ nhạc cụ truyền thống. Ảnh: PV

Mỗi tháng 2 lần, nhóm “Phụ nữ kể chuyện” bản Thàn, xã Chiềng Pằn tổ chức gặp gỡ, giao lưu, phục dựng, giữ gìn các giá trị văn hóa của dân tộc Khơ Mú. Trong mỗi lần sinh hoạt, các hội viên dạy nhau múa, hát các làn điệu dân ca, đan lát, làm các nhạc cụ, thêu trang phục dân tộc... Chị Lừ Thị Lan, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản, nhóm trưởng, chia sẻ: Là bản duy nhất ở xã có 100% đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống, dù có tác động của giao thoa văn hóa, nhưng 56 hộ dân bản Thàn vẫn bảo tồn nét đẹp truyền thống dân tộc. Nhóm thường xuyên vận động bà con trong bản giữ gìn bộ trang phục truyền thống với khăn piêu, áo cóm, khăn đội đầu... Duy trì tổ chức lễ hội mừng lúa mới, giữ gìn điệu múa Vêlr Guông, mang đậm bản sắc dân tộc, tín ngưỡng tâm linh, tính đoàn kết cộng đồng, dòng họ của đồng bào Khơ Mú.

Còn tại xã Sặp Vạt, vừa qua, đồng bào dân tộc Thái có dịp giới thiệu tới du khách trong và ngoài tỉnh những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và tiềm năng về du lịch của xã, khi lần đầu tiên tổ chức lễ hội Đông Sửa. Lễ hội nhiều hoạt động, như lễ tạ ơn, cúng thần linh cho bà con có cuộc sống yên vui no ấm, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; thi thêu khăn piêu, đan sọt, ném còn, múa sạp và tham quan gian trưng bày giới thiệu sản phẩm thổ cẩm, nông sản, ẩm thực của địa phương... mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc nơi đây.

Ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Sặp Vạt, cho biết: Xã có 11 bản, gần 1.000 hộ, trên 4.600 nhân khẩu; trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm hơn 90% dân số. Qua lễ hội Đông Sửa, xã đã giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán đồng bào dân tộc Thái tới nhân dân trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa; thu hút đầu tư khai thác, phát triển tiềm năng du lịch cộng đồng địa phương.

Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND huyện Yên Châu đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát các giá trị văn học nghệ thuật, phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Hằng năm, chỉ đạo, hướng dẫn các xã quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, như ngôn ngữ, chữ viết, các lễ hội, nghề truyền thống; thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc; tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc... thu hút đông đảo nhân dân tham gia; góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết và bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Câu lạc bộ văn hóa Thái, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu truyền dạy nghề dệt truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Châu, cho biết: 2 năm qua, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã hỗ trợ 370 triệu đồng cho đội văn nghệ truyền thống các bản của xã Phiêng Khoài, Sặp Vạt, Chiềng Pằn; hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cho 7 bản tại xã Chiềng On. Năm 2023, phòng hướng dẫn xã Chiềng Khoi phục dựng, tổ chức Hạn Khuống và lễ hội Đông Sửa, xã Sặp Vạt; tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các xã biên giới... Hiện nay, trên 98% số bản trong huyện có nhà văn hóa, duy trì hoạt động 182 đội văn nghệ các bản, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch bền vững, huyện Yên Châu tiếp tục kiến nghị với tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; phối hợp rà soát đối tượng thụ hưởng, đảm bảo hỗ trợ đúng quy định. Phấn đấu đến năm 2025, 100% số bản có nhà văn hóa; các đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; góp phần nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa, đời sống tinh thần và tạo việc làm, thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/du-lich/phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-gan-voi-phat-trien-du-lich-vggpWavIg.html