Phát huy giá trị vùng di sản

Là vùng đất có bề dày truyền thống và những giá trị văn hóa, lịch sử được bồi đắp qua hàng ngàn năm, quận Ngũ Hành Sơn hội tụ nhiều yếu tố để trở thành điểm đến của du khách thông qua các lễ hội, văn hóa, sự kiện, phong cảnh thiên nhiên đặc sắc. Việc bảo tồn và phát huy giá trị từng di sản sẽ tạo đòn bẩy phát triển không chỉ cho địa phương mà góp sức phát triển thành phố.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023 để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách. Ảnh: N.QUANG

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023 để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách. Ảnh: N.QUANG

Đánh thức di sản để phát triển du lịch

Chỉ với hơn 3,8km², quận Ngũ Hành Sơn sở hữu đến 4 di sản: Làng đá mỹ nghệ Non Nước là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014, Danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2018, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021 và Ma nhai Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023 thu hút rất đông người dân và du khách đến tham gia. Ảnh: N.QUANG

Trưởng ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn Nguyễn Văn Hiền cho biết, sau thời điểm xảy ra dịch bệnh, năm 2023, danh thắng Ngũ Hành Sơn đã chính thức bán vé tham quan trở lại. Từ đâu năm đến nay, số lượt khách đến tham quan đạt 358.000 lượt, trung bình mỗi tháng có hơn 100.000 lượt khách đến tham quan, đạt khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường khách chủ yếu là khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu.

“Khi thị trường khách Trung Quốc có tour trở lại, đây là cơ hội có thể kỳ vọng khách đến Ngũ Hành Sơn sẽ tăng. Du lịch nơi đây mang tính đặc thù nên công tác nâng cao chất lượng phục vụ du khách, quảng bá hình ảnh, con người Ngũ Hành Sơn hiếu khách, thân thiện chính là những điểm mạnh để tạo được dấu ấn trong lòng du khách. Công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thuyết minh về các di sản luôn được Ban Quản lý chú trọng đầu tư. Đội ngũ hướng dẫn viên và nhân viên luôn được trau dồi, tìm hiểu, học hỏi để truyền tải cho du khách hiểu rõ hơn về những giá trị của di sản”, ông Hiền nói.

Ngọn Thủy Sơn là ngọn núi lớn nhất, cao nhất và đẹp nhất trong số 5 ngọn núi thuộc quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: N.QUANG

Theo Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa, hiện nay, bên cạnh các di sản đã được công nhận, trên địa bàn quận còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị cùng với những điểm đến lịch sử như các hâm bí mật, di tích lịch sử quốc gia K20,...

“Thực tế chứng minh di sản văn hóa luôn tạo sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch. Danh thắng Ngũ Hành Sơn có một sức hút rất lớn bởi những giá trị mà nơi đây chứa đựng không chỉ mang tâm quốc gia mà còn chứa đựng những giá trị quốc tế, gắn liền với câu chuyện vùng đất và con người Đà Nẵng. Vì vậy, địa phương luôn nỗ lực đánh thức những giá trị sẵn có của Danh thắng Ngũ Hành Sơn, kết nối các điểm du lịch trong quân thể liên hoàn với nhau. Qua đó để người dân. du khách khám phá, tìm hiểu sâu hơn về những giá trị đang tiềm ẩn của di tích này; đồng thời huy động cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong khu vực và phát triển kinh tế địa phương gắn với công tác bảo vệ, phát huy giá trị danh thắng”, ông Hòa nhấn mạnh.

Phát triển du lịch theo hướng bền vững

Đi đôi với việc “đánh thức” phát triển du lịch, việc bảo tồn những giá trị cốt lõi của di sản cũng rất quan trọng. Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn trong một năm đón hơn 1 triệu lượt khách là một con số khẳng định giá trị, tầm vóc của di sản. Vấn đề ở đây là khai thác, quản lý, phát huy danh thắng Ngũ Hành Sơn không nên chạy theo xu thế phát triển kinh tế thị trường mà nên hướng theo hướng phát triển bền vững, bảo tồn những giá trị di sản khỏi sự xâm lấn, tác động của con người.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn luôn là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: N.QUANG

“Hiện nay, thông tin về 4 di sản, di tích quốc gia, quốc tế tại quận Ngũ Hành Sơn cùng nhiều điểm đến mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa khác đều được số hóa và cập nhật toàn bộ trên bản đồ số di sản phục vụ cho công tác bảo tồn và nghiên cứu. Bảo tàng đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến Du lịch thành phố (Sở Du lịch) để cập nhật các kiến thức liên quan đến giá trị di sản nằm trong quần thể danh thắng. Đồng thời, trong năm 2023 đơn vị sẽ tổ chức 10 lớp tập huấn cho hơn 1.000 hướng dẫn viên quốc tế và nội địa cập nhật thông tin về những giá trị tư liệu của Ma nhai Ngũ Hành Sơn vừa được công nhận”, ông Thiện cho biết và đề nghị địa phương cần có những giải pháp cụ thể hơn cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch như tổ chức hội nghị khách hàng, các công ty lữ hành, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch để giới thiệu được những di sản gắn liên với quần thể di sản quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.

Theo ông Nguyễn Hòa, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn, địa phương đã xúc tiến nhiều hoạt động cụ thể như mời chuyên gia ở Cục Di sản văn hóa nghiên cứu, đưa ra phác đồ bảo quản toàn bộ 78 tác bản ma nhai Ngũ Hành Sơn; sử dụng công nghệ chiếu sáng hiện đại để du khách chiêm ngưỡng mà không ảnh hưởng yếu tố gốc; số hóa ma nhai bằng 6 ngôn ngữ và gắn bảng giới thiệu, mã QR để du khách có thể quét, đọc nội dung; mang 26 bản gốc ma nhai phiên dịch đầy đủ đến các trường đại học trong thành phố để giới thiệu cho sinh viên...

“Chúng tôi tham mưu UBND thành phố quy hoạch tổng thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, 5 ngọn núi với 112ha để Thủ tướng phê duyệt gồm tôn tạo, giải tỏa đền bù, xây dựng các hạng mục công trình... từng bước phát triển khu vực này trở thành công viên văn hóa, một điểm đến hấp dẫn của du khách, phát huy bề dày lịch sử, kinh tế, văn hóa của danh thắng, hướng tới phát triển bền vững”, ông Nguyễn Hòa nói.

NGUYỄN QUANG - XUÂN HẬU

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5414/202305/phat-huy-gia-tri-vung-di-san-3943938/