Phát huy hiệu quả các khu kinh tế trọng điểm miền Trung

Những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế (KKT) trong vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung đã được xây dựng khá đồng bộ. Đa số các KKT đã hút được những doanh nghiệp lớn đầu tư, góp phần giải quyết công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Động lực phát triển kinh tế địa phương

Vùng KTTĐ miền Trung hiện có 4 KKT ven biển: Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhơn Hội (Bình Định). Theo Thạc sĩ Đặng Đình Đức, Giám đốc Trung tâm Tư vấn-Nghiên cứu phát triển miền Trung: Hầu hết các KKT đã thu hút được những dự án quy mô lớn. Các dự án đã và đang tiếp tục được triển khai, hứa hẹn mang lại những kết quả khả quan cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần cung ứng hàng hóa tiêu dùng trong nước. Một số KKT đã có sản phẩm xuất khẩu như: KKT mở Chu Lai, KKT Dung Quất.

Cảng Chu Lai-Trường Hải hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 DWT.

Đến các xã ven biển thuộc huyện Núi Thành (Quảng Nam), chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay nơi đây. Những cồn cát trắng xưa kia nay dần nhường chỗ cho các nhà máy, xí nghiệp, khu đô thị... Theo lãnh đạo địa phương và người dân, sự đổi thay đó bắt đầu từ khi KKT mở Chu Lai được thành lập (năm 2003). Ông Phạm Ân, Phó trưởng ban quản lý KKT mở Chu Lai, cho biết: “Từ khi KKT mở Chu Lai ra đời, các khu dân cư, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du dịch cùng nhiều nhà máy, công xưởng được hình thành. Hiện KKT có tổng diện tích tự nhiên hơn 32.400ha (gồm 19 xã, phường, thị trấn của hai huyện Thăng Bình, Núi Thành và TP Tam Kỳ); thu hút 142 dự án với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD; có 88 dự án đi vào hoạt động với vốn thực hiện hơn 1,3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 23.000 lao động. Trong số đó có những dự án quy mô lớn mang tầm quốc gia, tạo sự lan tỏa và động lực phát triển cho địa phương cũng như khu vực, như: Khu phức hợp ô tô Chu Lai-Trường Hải, Nhà máy kính nổi, Nhà máy may Panko Tam Thăng, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử CCI…”. Để thu hút những doanh nghiệp lớn, Quảng Nam còn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, như: Chuẩn bị mặt bằng sạch, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ đào tạo lao động, triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đồng bộ, hiệu quả...

Tìm hiểu thực tế tại KKT Dung Quất (Quảng Ngãi), chúng tôi nhận thấy, hệ thống hạ tầng ở đây được đầu tư cơ bản đồng bộ. Nhờ đó, KKT Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) của Quảng Ngãi đã thu hút 262 dự án (trong đó có 43 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư hơn 11 tỷ USD; 167 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 50.000 lao động, đóng góp vào nguồn thu ngân sách địa phương bình quân 20.000 tỷ đồng/năm.

Tháo gỡ vướng mắc, bất cập

Khi được thành lập, các KKT đều có mục tiêu ban đầu là sử dụng những cơ chế ưu đãi vượt trội để khuyến khích, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ chế ưu đãi cho các KKT ven biển nói chung và vùng KTTĐ miền Trung nói riêng chỉ ngang bằng với điều kiện ưu đãi vào các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần bổ sung các chính sách ưu đãi vượt trội hơn đối với KKT nhằm tạo lợi thế cạnh tranh giữa KKT với các khu vực khác.

Hiện nay, công tác quản lý các KKT, KCN mới chỉ có nghị định của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất; có tình trạng chồng chéo, bất cập với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, gây khó khăn cho quá trình quản lý KKT, KCN. Việc phân cấp, ủy quyền cho ban quản lý KKT, KCN trong một số lĩnh vực chưa được thực hiện đầy đủ, nhất quán nên chưa thể xây dựng mô hình quản lý KKT, KCN theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ”, gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Ông Đàm Minh Lễ, Phó trưởng ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ cần ban hành nghị định thay thế các nghị định đã có nhằm thống nhất mô hình quản lý Nhà nước “một cửa, tại chỗ” tại ban quản lý KKT, KCN. Về lâu dài, các bộ, ngành cần đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nội dung xây dựng Luật KKT, KCN vào chương trình xây dựng luật để sớm tiến hành xây dựng Luật KKT, KCN theo hướng tập trung phân cấp cho ban quản lý thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với KKT, KCN theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”...

Hiện nay, việc thu hút đầu tư vào các KKT đang gặp nhiều khó khăn. TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, Vùng KTTĐ miền Trung không nên phát triển đồng thời tất cả các KKT hiện có, mà trước mắt, cần tập trung đầu tư cho các KKT có năng suất lao động cao, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Cụ thể, cần nghiên cứu trình Chính phủ quy hoạch phát triển KKT trọng điểm về công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến sản phẩm dầu mỏ trên cơ sở rà soát và quy hoạch lại KKT Dung Quất và Chu Lai. Xây dựng quy chế đặc thù phát triển vùng kinh tế Chu Lai-Dung Quất thành trung tâm công nghiệp-cảng biển-đô thị biển của vùng duyên hải miền Trung.

NGUYỄN VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-huy-hieu-qua-cac-khu-kinh-te-trong-diem-mien-trung-539958