Phát huy hiệu quả của hậu cần quân sự trong khu vực phòng thủ

Trong hội nghị đánh giá 10 năm công tác hậu cần thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW (gọi tắt là Nghị quyết 28) ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc trong tình hình mới, do Bộ Quốc phòng vừa tổ chức tại tỉnh Tây Ninh, đã có nhiều mô hình tích cực được phổ biến. Đây là thành quả góp phần hình thành nên một hệ thống phục vụ quốc phòng và dân sinh trong KVPT.

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, dựng nước luôn đi đôi với giữ nước, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, khi đất nước còn chưa nguy. Ngày nay, quan điểm đó được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị, các chiến lược, sách lược mà Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị và các nghị định của Chính phủ về KVPT là những văn bản pháp lý để các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện, đạt được những kết quả to lớn, trong đó công tác hậu cần KVPT đã có những đóng góp thiết thực.

Vĩnh Phúc là tỉnh có vị trí chiến lược trong thế trận phòng thủ của cả nước nói chung, Quân khu 2 nói riêng. Ở Vĩnh Phúc từ nhiều năm nay, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) luôn gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QPAN). Trong lần làm việc với chúng tôi mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh: "Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc luôn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tiềm lực kinh tế gắn với bảo đảm QPAN. Các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển KT-XH của tỉnh đều gắn với QPAN, có sự tham gia thẩm định của Bộ Quốc phòng và cơ quan quân sự các cấp theo phân cấp, bảo đảm cho KT-XH phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, song địa phương cũng sẵn sàng mọi mặt đáp ứng các tình huống quốc phòng...". Chỉ tính giai đoạn 2011-2015, tỉnh Vĩnh Phúc đã trích ngân sách hơn 350 tỷ đồng thực hiện hai đề án là: Xây dựng KVPT và phòng thủ dân sự tỉnh, trong đó có các căn cứ hậu cần. Hiện nay, Tỉnh ủy, UBND giao Bộ CHQS tỉnh dự thảo đề án xây dựng điểm căn cứ hậu cần trong KVPT tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2018-2020.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các đại biểu kiểm tra sản phẩm quân nhu sản xuất tại căn cứ hậu cần tỉnh Bình Dương. Ảnh: HUY PHONG

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các đại biểu kiểm tra sản phẩm quân nhu sản xuất tại căn cứ hậu cần tỉnh Bình Dương. Ảnh: HUY PHONG

Trên địa bàn trọng điểm phía Tây Nam Tổ quốc, tỉnh Tây Ninh rất quan tâm xây dựng KVPT vững chắc. Theo Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang, chỉ tính riêng cơ sở hậu cần trong khu căn cứ, Tây Ninh đã triển khai hàng chục hạng mục, đến nay, nhiều hạng mục đã hoàn thành từng bước đáp ứng yêu cầu cho tình huống thời chiến.

Ở tỉnh Nghệ An đã rất thành công với mô hình bệnh viện dã chiến dự bị động viên. Đây là sự tham gia tích cực, chủ động của ngành y tế địa phương về bảo đảm nhân lực, vật lực y tế trong công tác hậu cần KVPT. Ngoài hoạt động khám, chữa bệnh thường xuyên, khi có tình huống về quốc phòng, đội ngũ y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An sẽ tham gia vào bệnh viện dã chiến với quy mô 150 giường bệnh, 6 khoa, 8 ban chuyên môn...

Quân đội giữ vững vai trò nòng cốt

Từ hội nghị lần này cho thấy, ở mỗi bộ, ngành Trung ương, mỗi địa phương đã căn cứ vào đặc điểm, điều kiện thực tế để hình thành các biện pháp triển khai công tác hậu cần KVPT phù hợp với đặc thù nhiệm vụ, năng lực của đơn vị mình. Theo Thiếu tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, thì ngành hậu cần quân đội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong các lĩnh vực chuyên ngành hậu cần; tham gia ý kiến công tác quy hoạch phát triển KT-XH ở các vùng, miền; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân xây dựng, điều chỉnh hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến, xây dựng các căn cứ hậu cần; huấn luyện hậu cần cho các đối tượng đạt kết quả tích cực…

So với cả nước, kết quả xây dựng hậu cần KVPT tại các tỉnh thuộc Quân khu 3 khá toàn diện. Thiếu tướng Nguyễn Quang Ngọc, Phó tư lệnh Quân khu 3, chia sẻ kinh nghiệm: Ban chỉ đạo KVPT quân khu thường xuyên được kiện toàn, vừa giữ vai trò chủ đạo, vừa phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo KVPT các tỉnh, thành phố tạo sự thống nhất và đồng thuận cao về nhận thức và hành động giữa các thành phần trong KVPT, nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong KVPT. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng tiềm lực kinh tế KVPT tỉnh, thành phố với công tác hậu cần của LLVT quân khu, đồng thời phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan hậu cần quân sự các cấp trong tham mưu và tổ chức thực hiện. 10 năm qua, việc huy động nguồn ngân sách địa phương phục vụ công tác hậu cần KVPT của Quân khu 3 đạt gần 500 tỷ đồng. Đến nay, các đề án chuẩn bị huy động tiềm lực hậu cần, như: Xây dựng và phát triển mạng lưới bảo đảm xăng dầu; mạng lưới quân, dân y kết hợp; mạng lưới vận tải... trong KVPT các tỉnh, thành phố đã không ngừng phát triển và dần hoàn thiện, có thể chuyển đổi mục đích sử dụng khi có tình huống xảy ra.

Hoặc ở Quân khu 4, cơ quan quân sự các cấp cũng đã làm tốt việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời tham mưu ngày càng hiệu quả công tác gắn phát triển KT-XH với QPAN. Các dự án đầu tư phát triển kinh tế những năm gần đây đều được đóng góp ý kiến thỏa đáng, bảo đảm vừa phát huy được lợi thế về KT-XH, vừa góp phần hình thành thế trận phòng thủ của địa phương.

Hệ thống chính trị cần vào cuộc tích cực, đồng bộ

Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, các tham luận tại hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong xây dựng hậu cần KVPT, như: Sự quan tâm, chỉ đạo về quy hoạch, đầu tư xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần KVPT ở một số tỉnh, thành phố chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên hậu cần, các phân đội hậu cần chuyên trách thuộc các ngành của địa phương còn nhiều khó khăn, bất cập. Vai trò tham mưu nòng cốt trong xây dựng và hoạt động hậu cần KVPT của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế... Vì vậy cần phải đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ và nhân dân, mà trước hết là đội ngũ cán bộ chủ trì. Từng tỉnh, thành phố cần xác định lộ trình, bước đi phù hợp, triển khai ngay các chương trình, dự án, đề án cụ thể, sát với đặc điểm và khả năng của từng địa phương. Công tác triển khai thực hiện phải rốt ráo, tránh việc “đánh trống bỏ dùi”, "trên phát mà dưới không động".

Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nêu rõ: Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, trong đó hậu cần KVPT giữ vai trò quan trọng, bảo đảm huy động mọi nguồn lực của xã hội để xây dựng KVPT tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc. Vì vậy, các cấp, các ngành Trung ương và các địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết 28 và các chỉ thị, nghị quyết khác có liên quan, tiếp tục xác định lộ trình, bước đi phù hợp trong xây dựng KVPT nói chung, hậu cần KVPT nói riêng. Quá trình triển khai thực hiện cần phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó đặc biệt chú trọng vai trò tham mưu của cơ quan quân sự các cấp. Khi xây dựng phải bảo đảm cho các công trình, căn cứ hậu cần luôn phát huy tính lưỡng dụng và trở thành động lực phát triển KT-XH của địa phương, góp phần tăng cường tiềm lực quân sự quốc phòng đất nước.

TIẾN ĐẠT - DUY HIỂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phat-huy-hieu-qua-cua-hau-can-quan-su-trong-khu-vuc-phong-thu-543372