Phát huy hiệu quả mô hình kinh tế của đoàn viên, thanh niên

Phát huy sức trẻ trong phong trào lập thân, lập nghiệp, thời gian qua nhiều mô hình kinh tế của đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả. Các mô hình kinh tế được xây dựng, đặc biệt là việc thành lập các câu lạc bộ (CLB), hợp tác xã (HTX) do thanh niên làm chủ đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đoàn viên thanh niên.

Ðoàn viên, thanh niên huyện Mường Nhé thu hoạch cây gai xanh AP1.

Tháng 8/2022, mô hình HTX của thanh niên được Huyện đoàn Mường Nhé ra mắt và tổ chức ngày hội thu hoạch cây gai xanh AP1. Cây gai xanh AP1 được HTX Gai xanh Mường Nhé với thành viên là đoàn viên thanh niên trồng trên tổng diện tích hơn 20ha tại các xã: Mường Nhé, Nậm Kè, Leng Su Sìn, Chung Chải, Nậm Vì, Pá Mỳ, Sín Thầu. Trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch, cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần tập đoàn An Phước Viramie hỗ trợ và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra 10 năm với giá mua ổn định. Mặc dù mới được trồng thử nghiệm song tại các khu vực trồng, cây gai xanh phát triển ổn định, tỷ lệ cây phát triển đạt khoảng 96%. Việc thành lập HTX thanh niên với mô hình phát triển cây gai xanh không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập mà còn là cơ hội cho thanh niên trên địa bàn huyện Mường Nhé được học hỏi, tiếp thu các kiến thức khoa học trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững.

Nhằm phát huy hiệu quả của các mô hình kinh tế tập thể, thời gian qua, Tỉnh đoàn Ðiện Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể tới đoàn viên thanh niên. Ðồng thời rà soát nhu cầu, lựa chọn các mô hình kinh tế cùng nhóm ngành nghề của thanh niên và phù hợp với thế mạnh sản xuất của địa phương để xây dựng kế hoạch thành lập CLB, hoặc HTX thanh niên. Từ đó, giới thiệu các mô hình, CLB, HTX điển hình phát triển kinh tế cho đoàn viên thanh niên tiếp cận, tham quan và học tập. Ðồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; tập huấn kiến thức xây dựng mô hình tổ hợp tác, HTX cho thanh niên. Ðến nay, 100% huyện, thị, thành đoàn trên địa bàn tỉnh duy trì hiệu quả mô hình phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên. Ðiển hình là các mô hình: HTX Dâu tây Mường Phăng của anh Hoàng Văn Dán (xã Mường Phăng, TP. Ðiện Biên Phủ); mô hình kinh tế trồng cây gai xanh của anh Lê Nhật Trường (xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên); tổ hợp tác thanh niên phát triển nông sản, rau sạch tại xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo); mô hình phát triển kinh tế nuôi cá lồng, chăn nuôi bò, dê, ong đất của đoàn viên thanh niên huyện Tủa Chùa; mô hình kinh tế tập thể trồng cây sa nhân dưới tán rừng của đoàn viên thanh niên bản Nậm Củng, xã Chà Tở (huyện Nậm Pồ).

Việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể trong lực lượng đoàn viên thanh niên được coi là giải pháp hiệu quả, không chỉ giải quyết vấn đề trong phát triển kinh tế mà còn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đoàn kết tập hợp thanh niên khu vực nông thôn. Thông qua các mô hình CLB, HTX, đoàn viên thanh niên tương trợ nhau trong phát triển kinh tế, phát huy tính đoàn kết và tận dụng triệt để các công cụ, nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, ngành chức năng. Từ đó góp phần giảm tình trạng đoàn viên thanh niên đi làm ăn xa; đồng thời thu hút ngày càng nhiều thanh niên tích cực tham gia các mô hình phát triển kinh tế; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, chắp cánh cho người trẻ làm giàu tại địa phương.

Bài, ảnh: Ðức Kiên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/207716/ph%C3%A1t-huy-hi%E1%BA%B9u-qu%E1%BA%A3-mo-h%C3%ACnh-kinh-t%C3%A9-cua-doan-vien-thanh-nien