Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Chi hội Phụ nữ bản Phiêng Tìn, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La có 171 hội viên. Những năm qua, nhờ nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đã giúp các hội viên nghèo có cơ hội phát triển kinh tế gia đình; nhiều hội viên thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

Vườn nhãn ghép của hội viên Lò Thị Xuân, Chi hội phụ nữ bản Phiêng Tìn, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La.

Bà Lò Thị Phiu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Phiêng Tìn, cho biết: Hàng năm, Chi hội rà soát các gia đình hội viên nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế để phối hợp với Tổ vay vốn tạo điều kiện cho hội viên vay ủy thác từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Hiện, Chi hội có 56 lượt hội viên phụ nữ vay, với tổng dư nợ là 4 tỷ đồng. Chi hội và tổ tiết kiệm vay vốn thường xuyên kiểm tra, tư vấn hội viên lựa chọn mô hình và áp dụng kỹ thuật sản xuất phù hợp, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay của các hội viên đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Từ nguồn vốn vay, các hội viên đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rau màu, kinh doanh dịch vụ... Sử dụng vốn hiệu quả là các hội viên: Lò Thị Chôm, kinh doanh dịch vụ, nuôi lợn, đào ao thả cá, thu nhập 150 triệu đồng/năm; Tòng Thị Chỉnh, nuôi lợn, trồng 1,2 ha mít Thái, táo, thu nhập 120 triệu đồng/năm; hội viên Quàng Thị Vân, nuôi gia cầm, trồng sả, chuối, nhãn, xoài, thu nhập 180 triệu đồng/năm...

Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của hội viên Lò Thị Xuân. Năm 2014, thông qua Tổ vay vốn, gia đình chị Xuân được vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, để cải tạo vườn tạp rộng 1,2 ha, ghép 200 gốc nhãn chín muộn trên cơ sở nhãn địa phương và trồng mới xoài, ổi. Ngoài được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cành, gia đình đầu tư xây bể nước, hệ thống tưới ẩm cho cây. Chị Xuân chia sẻ: Sau 2 năm chăm sóc, cây phát triển tốt, trung bình cho thu hoạch 7 tấn quả nhãn/năm. Riêng 120 gốc xoài vụ đầu thu hoạch 6 tấn quả. Ngoài ra, gia đình tôi còn dành 1.000 m² đất trồng dưa hấu, dưa lê, năm 2021 thu hoạch 1,5 tấn dưa các loại. Từ trồng cây ăn quả gia đình có thu nhập 120 triệu đồng/năm.

Còn hội viên Quàng Thị Sen cho biết: Năm 2019, gia đình tôi được vay 100 triệu đồng vốn ủy thác từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để xây dựng chuồng trại, mua 4 con bò, trong đó 2 con bò sinh sản. Sau 3 năm, đàn bò phát triển lên 10 con. Năm 2021, bán 5 con bò, thu 50 triệu đồng. Gia đình còn nuôi 3 con lợn nái, mỗi năm xuất bán 60 con lợn giống, thu 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn cải tạo 2 ha vườn tạp, trồng 450 gốc cây xoài, nhãn, mít Thái, hiện đang phát triển tốt; trồng 2.000 m² dưa hấu, dưa lê, dưa bở. Năm 2021, thu hoạch 3 tấn quả, bán được 30 triệu đồng. Tổng thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt năm 2021 đạt 130 triệu đồng, gia đình tôi đã thoát nghèo.

Ngoài tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, Chi hội còn bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu của hội phụ nữ cấp trên để triển khai các phong trào, cuộc vận động “Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”... Thu hút hội viên tham gia đóng góp hàng trăm ngày công lao động làm đường nội bản; thường xuyên vệ sinh các tuyến đường phụ nữ tự quản dài 500 m; di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; các gia đình đều đào hố rác, xây dựng công trình nhà tắm, nhà tiêu đúng quy định...

Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, đời sống của gia đình hội viên phụ nữ từng bước được nâng lên. Tỷ lệ gia đình hội viên nghèo giảm từ 70% năm 2012 xuống còn 1,2% năm 2022; số hộ có thu nhập khá, giàu tăng lên gần 12%.

Lò Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-huy-hieu-qua-nguon-von-uy-thac-48867