Phát huy lợi thế của cây lúa vùng châu thổ Cửu Long

Ngày 18/11, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức Hội thảo 'Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giải pháp từ cây lúa'.

Cuối tháng 2/2022, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; trong đó cho phép giảm 88.560 ha diện tích đất trồng lúa, trong tổng số diện tích 3,9 triệu ha. Bên cạnh đó, tổ chức lại không gian sản xuất, phối hợp với phát triển đô thị và công nghiệp chế biến.

Đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp và ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên đồng chủ trì Hội thảo.

Đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp và ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên đồng chủ trì Hội thảo.

Nhiều thập niên qua, ĐBSCL đã làm tròn trách nhiệm an ninh lương thực của mình, đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, khi hạn hán, đại dịch COVID-19 cùng chiến sự Nga - Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa an ninh lương thực - thực phẩm ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, Việt Nam không những đảm bảo đời sống cho trăm triệu người dân trong nước mà còn thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới thông qua việc đẩy mạnh cung ứng lúa gạo ra toàn cầu. ĐBSCL đóng vai trò lớn nhất, quan trọng nhất trong thành tựu đó.

GS-TS Võ Tòng Xuân tham luận tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng chưa bao giờ ĐBSCL nhận được sự quan tâm nhiều như hiện nay. Với vị thế của một vùng đất nông nghiệp, vựa lúa lớn nhất của đất nước, ĐBSCL đang kỳ vọng chờ đón nhiều chính sách, giải pháp để bứt phá, phát triển. Khát vọng cho một vùng đồng bằng nhiều tiềm năng, thoát trũng, phát triển bền vững là khát vọng của nhiều thế hệ trong khu vực.

Ngày 24/9/2022, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo "Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp". Theo đó, việc chuyển sang phương thức trồng lúa giảm phát thải là giải pháp tiềm năng nhất để tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào như: giống, phân bón và thuốc trừ sâu vẫn giúp duy trì hoặc tăng sản lượng từ 5-10% đồng thời giảm chi phí đầu vào từ 20 - 30%. Qua đó lợi nhuận ròng cũng tăng khoảng 25%, đạt mục tiêu cắt giảm 30% sản lượng khí mê-tan vào năm 2030, tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu chiến lược này...

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên đặt vấn đề, chuyển đổi thế nào để phát huy lợi thế của cây lúa, thế mạnh hàng đầu của ĐBSCL; để các sản vật ở các địa phương bứt phá, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho bà con nông dân? Làm thế nào để thu hút vốn đầu tư vào vùng đồng bằng trù phú bậc nhất thế giới của Việt Nam?

Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra lễ trao giải cuộc thi viết “Nghĩa tình miền Tây” do Báo Thanh Niên phát động và nhận bài thi từ 1/6 – 30/9. Trải qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo, Ban tổ chức, Ban Giám khảo đã chọn ra nhiều tác phẩm chất lượng để xếp hạng và trao giải.

Văn Đức

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/phat-huy-loi-the-cua-cay-lua-vung-chau-tho-cuu-long-i674687/