Phát huy mạnh mẽ khả năng sáng tạo của đoàn viên, người lao động

Trong những năm qua, các phong trào thi đua do Tổng LĐLĐVN phát động đã thu hút được đông đảo CNVCLĐ hưởng ứng tham gia, tạo sức lan tỏa lớn.

CBCNV ngành điện trên công trình thủy điện Lai Châu. Ảnh: ĐẮC CƯỜNG

Các phong trào đã thực sự góp phần nâng cao nhận thức, tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ và làm chủ máy móc, thiết bị tiên tiến, đồng thời phát huy mạnh mẽ khả năng sáng tạo, ý chí quyết tâm khám phá, chinh phục lĩnh vực khó và mới, sẵn sàng hội nhập trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Làm lợi hàng nghìn tỉ đồng

Một trong những phong trào thi đua do Tổng LĐLĐVN phát động đạt hiệu quả cao là phong trào thi đua liên kết xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu (giai đoạn 2012-2016). Ngày 3.2.2012, Tổng LĐLĐVN chính thức phát động “Phong trào thi đua liên kết xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu” và khởi đầu bằng “Chiến dịch thi đua đảm bảo ngăn sông Đà đợt 1 thắng lợi”. Ngay sau đó, Tổng LĐLĐVN đã ban hành Quyết định số 453/QĐ-TLĐ thành lập Ban Chỉ đạo phong trào thi đua liên kết xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu thực hiện các phong trào thi đua trên công trường, nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua liên kết, quyết tâm phấn đấu cho mục tiêu về trước kế hoạch, phát điện thương mại Tổ máy số 1 vào tháng 12.2015, hoàn thành toàn bộ dự án công trình thủy điện Lai Châu vào năm 2016.

Việc hoàn thành và đưa vào khai thác Nhà máy thủy điện Lai Châu cung cấp cho hệ thống điện quốc gia mỗi năm một sản lượng điện lớn cho đất nước với mức bình quân khoảng 4.692 tỉ kWh/năm; các tổ máy của công trình thủy điện Lai Châu phát điện vượt tiến độ kế hoạch sẽ làm lợi khoảng trên 2.000 tỉ đồng. Đây là công trình được xây dựng trên sông Đà, cùng với thủy điện Sơn La và Hòa Bình khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng tổng công suất phát điện trên sông Đà lên 6.500MW; góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước, đặc biệt là vùng Tây Bắc.

Thông qua phong trào thi đua đã phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, làm lợi cho các đơn vị hàng chục tỉ đồng tiêu biểu. Trong đó, Giám đốc Cty cổ phần Sông Đà 9 Nguyễn Hoàng Cường có đề tài nghiên cứu “Hệ thống phun sương bảo dưỡng tạo ẩm làm mát bêtông RCC” làm lợi 3 tỉ đồng/năm; Giám đốc chi nhánh Sông Đà 908 Đinh Văn Đại với đề tài “Cải tiến máy đánh sờm bề mặt bêtông” làm lợi 100 triệu đồng/năm; Chỉ huy trưởng tại Công trường thủy điện Lai Châu Nguyễn Văn Vụ (Cty CP Sông Đà 5) có đề tài sáng kiến “Gia công mũi búa phá đục sờm bêtông và đánh sờm mặt bêtông” làm lợi cho tập thể 8 tỉ đồng.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính nhận xét, phong trào thi đua liên kết là nhân tố quan trọng thúc đẩy động viên đội ngũ cán bộ, kỹ sư, CNLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tạo nên thành công của một tập hợp trí tuệ Việt Nam, từ những công việc tưởng chừng như hết sức bình thường nhưng đem lại hiệu quả vô cùng lớn. Đồng thời kịp thời phát hiện các nhân tố điển hình tiên tiến để biểu dương khen thưởng và công tác khen thưởng của phong trào thi đua thực sự là đòn bẩy thiết thực và hiệu quả để thúc đẩy các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cùng doanh nghiệp vượt khó

Ông Nguyễn Văn Toản - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chính sách kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, qua đánh giá phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo (LĐST) cho thấy ở đâu, nơi nào càng gặp khó khăn, thách thức thì xuất hiện càng nhiều sáng kiến, sáng tạo, nhiều công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh và công tác nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan. Để phong trào thi đua LĐST đạt hiệu quả, các cấp CĐ đã kịp thời đề ra nhiều giải pháp và hình thức đổi mới trong công tác tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào, từ đó đã tập hợp được đông đảo cán bộ, đoàn viên tham gia, trong đó CNLĐ trực tiếp có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được khen thưởng nhiều hơn.

Như với ngành hàng hải Việt Nam, trong những năm qua vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức do thị trường vận tải biển tiếp tục suy giảm, không ổn định; tình trạng khan hiếm hàng đã làm cho giá thuê tàu, giá cước giảm ở tất cả các phân khúc và khu vực thị trường. Đồng hành với chuyên môn, CĐ TCty Hàng hải VN phát động nhiều đợt thi đua trong đoàn viên, CNLĐ. Hưởng ứng các phong trào thi đua do CĐ phát động, anh Trần Văn Thu - nhân viên bộ phận Kỹ thuật chi nhánh Hồ Chí Minh, Cty cổ phần cung ứng và dịch vụ Kỹ thuật Hàng hải, TCty Hàng hải Việt Nam - đã luôn nhiệt tình trong công việc, hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao với những cải tiến kỹ thuật đã góp phần tăng năng suất cho Cty, giúp DN hội nhập về công nghệ, đưa công nghệ vào trong sản xuất, máy móc thay thế con người, đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất. Năm 2016, anh Thu đã nghiên cứu, tìm tòi và cho ra đời sáng kiến “Chế tạo máy hàn đầu xà, máy uốn móc treo và máy hàn ecu tự động phục vụ gia công thiết bị treo”. Với những cống hiến của mình, 3 năm liên tục (2014-2016) anh đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2017, được tặng Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐVN.

Được biết, từ năm 2012 đến năm 2017, hưởng ứng phong trào thi đua LĐST do Tổng LĐLĐVN phát động, đã có 1.248.637 lượt cán bộ quản lý, kỹ sư, CNLĐ có đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất, đem lại giá trị làm lợi hàng nghìn tỉ đồng. Tổng LĐLĐVN đã xét và tặng thưởng Bằng LĐST cho trên 4.200 lượt tác giả.

Hà Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/phat-huy-manh-me-kha-nang-sang-tao-cua-doan-vien-nguoi-lao-dong-627942.ldo