Phát huy mạnh mẽ vai trò của 'Quốc bảo' trong quốc kế dân sinh

Mong muốn sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quy khác xứng danh với tên gọi 'Quốc bảo' của Việt Nam, Chủ tịch Nước cho rằng, các cơ quan chức năng cần làm mọi cách để phát huy mạnh mẽ vai trò của 'Quốc bảo' trong quốc kế dân sinh.

Tại lễ khai mạc Hội chợ sâm Lai Châu 2022, tối 11/11, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, một số địa phương, khách mời quốc tế; một số tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học, nhà đầu tư…

Chủ tịch Nước biểu dương tỉnh Lai Châu tổ chức Hội chợ sâm Lai Châu quy mô, bài bản để quảng bá tiềm năng tới các nhà đầu tư.

Với 6/10 ngọn núi cao và hùng vĩ nhất Việt Nam, độ che phủ rừng tự nhiên gần 52%, Lai Châu có nhiều lâm sản, thực vật, cây thuốc quý hiếm có dược tính cao, trong đó có cây sâm Lai Châu, hiện có cơ hội phát triển 40.000 ha.

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Bí thư tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ nghe giới thiệu về cây sâm Lai Châu.

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Bí thư tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ nghe giới thiệu về cây sâm Lai Châu.

Với tiềm năng sản phẩm, thị trường và giá trị của sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác, Chủ tịch Nước cho rằng, hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến nhân sâm Việt Nam. Mục tiêu không phải là một vài tỷ đồng hay vài chục tỉ đồng, mà phải tiến tới mục tiêu tỷ USD giá trị sản xuất và xuất khẩu trong những thập niên tới. Điều này hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào dự báo thị trường nhân sâm quốc tế với mức tăng trưởng rất cao.

Mong muốn sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác xứng danh với tên gọi “Quốc bảo” của Việt Nam, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần làm mọi cách để phát huy mạnh mẽ vai trò của “Quốc bảo” trong quốc kế dân sinh.

Việt Nam là quốc gia đi sau nhiều nước trong chiến lược thương mại hóa cây sâm và sản phẩm từ sâm, nên cần chú trọng phát triển bài bản, đảm bảo chất lượng, quy mô, xây dựng và bảo vệ thương hiệu để không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự khai mạc Hội chợ sâm Lai Châu 2022.

Chủ tịch Nước cho rằng, điều cần thiết trước hết là bảo vệ nguồn gen thuần chủng cây sâm Lai Châu; trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác bảo tồn và quy hoạch phát triển các giống dược liệu quí, trong đó có Sâm Lai Châu, Sâm Ngọc Linh và một số giống Sâm tại các địa phương khác.

Bên cạnh đó, cần thông tin, phổ biến những ưu điểm vượt trội của Sâm Lai Châu, Sâm Ngọc Linh so với các loại Sâm và sản phẩm tương tự. Lan tỏa giá trị của cây Sâm Việt Nam cả về mặt kinh tế lẫn phục hồi sức khỏe...

Khẩn trương hoàn thiện quy định về cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện. Cùng với đó là kêu gọi các doanh nghiệp trong nước có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực tham gia vào sứ mệnh phát triển sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh.

Trong quá trình triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, tạo thuận lợi để người dân trồng, phát triển cây dược liệu, trong đó có cây sâm Lai Châu gắn với chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, phấn đấu để người dân ở vùng cao, vùng biên giới của Lai Châu "sống với rừng, thoát nghèo từ rừng và tiến tới làm giàu từ rừng. Điều này theo Chủ tịch nước rất phù hợp với phương châm của Hội chợ “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”.

Trong khuôn khổ buổi lễ, nhằm thúc đẩy mở rộng diện tích và truyền cảm hứng tích cực, khuyến khích người dân tham gia trồng sâm Lai Châu, Chủ tịch Nước đã tặng cây giống sâm Lai Châu cho các hộ gia đình.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trao Bằng Bảo hộ giống cây trồng đối với cây sâm Lai Châu cho tỉnh Lai Châu; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao Quyết định chấp nhận hợp lệ nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu” cho tỉnh Lai Châu.

Vũ Sơn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/viet-nam-du-co-so-de-phat-trien-nganh-cong-nghiep-va-che-bien-sam-2079814.html