Phát huy những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33

Sáng 20/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: 'Đánh giá thực trạng và tập trung đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi tọa đàm.

Sau 5 năm Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (gọi tắt là Nghị quyết 33) được ban hành, ngày 31/12/2104, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Ngay sau đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ ngành, đoàn thể cũng đã triển khai nghiêm túc việc học tập, quán triệt Nghị quyết; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện; chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng có những chuyên trang, chuyên mục, tuyên truyền nội dung Nghị quyết.

Buổi tọa đàm nhằm đánh giá việc triển khai học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết 33; đánh giá một cách toàn diện thực trạng của sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian qua và tập trung đề xuất những giải pháp cho việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới.

Qua quá trình kiểm tra, khảo sát và báo cáo của các địa phương, đơn vị, 5 năm qua, việc triển khai, thực hiện 6 nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết 33-NQ/TW đã thu được những kết quả nổi bật như: Trung ương và địa phương đã khẩn trương triển khai ban hành văn bản, các chủ trương, chính sách, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện để xây dựng con người. Nhiều chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người thời đại Hồ Chí Minh đã được đưa vào một số văn bản pháp luật, vào quy ước, hương ước tại các làng xã, vào quy định, nội quy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh các phong trào khởi nghiệp, thiện nguyện, gắn với phong trào thi đua yêu nước, xây dựng giá trị chuẩn mực con người Việt Nam phù hợp với từng đối tượng; quan tâm hơn đến giáo dục con cháu trong gia đình, dạy chữ kết hợp với dạy người và dạy những kỹ năng sống, nâng cao thể chất, tầm vóc cho thế hệ trẻ.

5 năm qua, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc có chuyển biến tích cực, huy động được nhiều nguồn lực xã hội, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống, nhất là một số loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một; khai thác giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật có bước phát triển mới với việc tìm tòi và mở rộng đề tài, hình thức thể nghiệm, tạo ra sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng hơn.

GS, TS. Đinh Xuân Dũng cho rằng cần tập trung nhân lực, trí lực, tài lực để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời đại mới. (Ảnh: TA)

Công tác gia đình có nhiều tiến bộ nhất là ở cấp chính quyền cơ sở, góp phần thực hiện bình đẳng giới, hạn chế bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; quan tâm hơn đến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với việc xây dựng hương ước, quy ước văn hóa, thực hiện nếp sống trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc có chuyển biến tích cực, huy động được nhiều nguồn lực xã hội, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống, nhất là một số loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một; khai thác giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật có bước phát triển mới với việc tìm tòi và mở rộng đề tài, hình thức thể nghiệm, tạo ra sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng hơn.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho rằng để làm công tác văn hóa cần những cán bộ quản lý thực sự am hiểu về văn hóa, quan tâm chăm lo tới đời sống đội ngũ văn nghệ sỹ cả nước. (Ảnh: TA)

Có thể nói, sau 5 năm Nghị quyết 33 đi vào cuộc sống, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người; với những chuyển biến tích cực nhất định. Song, trong quá trình triển khai, thực hiện chúng ta cũng gặp không ít thách thức, khó khăn và bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục như: nhiệm vụ xây dựng con người trong 5 năm qua tuy có chuyển biến nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn so với yêu cầu phát triển đất nước; việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa định hình được hình mẫu con người văn hóa trong thời đại mới; tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng; sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, lệch lạc nhận thức về giá trị nhân cách ở một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên còn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bất bình trong xã hội. Tình trạng mê tín dị đoan chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Việc xây dựng môi trường văn hóa, danh hiệu phong trào văn hóa ở một số nơi còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích; sự chênh lệch hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền tiếp tục gia tăng; thực phẩm bẩn, tệ nạn xã hội, gian lận thi cử, xâm hại tình dục trẻ em, chạy chức, chạy quyền, kinh doanh bất chấp vì lợi ích cá nhân… gây mất lòng tin, hoang mang trong xã hội. Một số chính sách cho văn học, nghệ thuật chưa mang tính chiến lược; đầu tư cho văn học, nghệ thuật còn thấp; nhiều bất cập trong đầu tư cho hoạt động quảng bá, phổ biến tác phẩm. Công tác phòng, chống tham nhũng bước đầu có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đạt mục đích và yêu cầu đề ra, còn có nhiều vụ việc làm thất thoát, lãng phí tài sản lớn của Nhà nước làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, ảnh hưởng niềm tin của nhân dân vào chế độ…

Những khó khăn, thách thức trên đã ảnh hưởng, tác động rất lớn đến quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, hoàn thiện các giá trị của con người Việt Nam trong xu thế phát triển, hội nhập hiện nay.

Trong thời gian tới, để Nghị quyết 33-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống, các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau: một là, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; hai là, xây dựng môi trường văn hóa; ba là, xây dựng văn hóa trong kinh tế; bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; năm là, phát triển công nghiệp văn hóa; sáu là, hội nhập quốc tế về văn hóa./.

Tin + Ảnh: Nhật Minh

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/phat-huy-nhung-ket-qua-noi-bat-sau-5-nam-thuc-hien-nghi-quyet-so-33-122243