Phát huy phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ'

Năm 1986, tròn 21 tuổi, chàng trai trẻ Trần Công Tuyên tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn tên lửa thuộc Sư đoàn 317, tham qua bảo vệ biên giới quê hương Lào Cai. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự sau gần 4 năm, anh trở về quê nhà huyện Bảo Thắng và lập nghiệp bằng nghề sản xuất đồ mộc, tiếp đó là xuất - nhập khẩu hàng hóa và thành lập doanh nghiệp chuyên về xây dựng cơ bản. Đến năm 2005, anh chuyển hẳn sang lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và vận tải với việc mở Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Bắc Cường có trụ sở tại phường Lào Cai, thành phố Lào Cai.

Hội Cựu chiến binh phường Kim Tân xây dựng nguồn quỹ tài chính để hỗ trợ các gia đình hội viên còn khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế.

Anh Tuyên bảo, sở dĩ mình khởi nghiệp nhiều nghề là vì những thăng trầm của đời người và rủi ro trong cuộc sống. Đã có những thời điểm anh liên tục gặp khó khăn, nguy cơ tay trắng cận kề nhưng tính kiên trì, bản lĩnh kiên cường, không lùi bước trước thử thách được trang bị trong những năm tháng quân ngũ giúp anh đứng vững. Ở tuổi 54, anh Tuyên là giám đốc 2 doanh nghiệp với tổng doanh thu hơn 100 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 40 công nhân, lao động với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, anh dành khoảng 100 triệu đồng để ủng hộ, tham gia công tác xã hội, một phần đáng kể trong đó dành hỗ trợ trực tiếp các hộ cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách.

Luôn hiện rõ tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, vẻ cương nghị của người có 32 năm trong quân ngũ, đó là ông Cao Xuân Hoàng, Giám đốc Công ty Vệ sĩ Ngọc Hòa Lào Cai. Nghỉ hưu năm 2007 với quân hàm Trung tá, khác với nhiều người về an dưỡng, nghỉ ngơi, ông chọn cách tìm việc làm. Ông quyết định theo hướng phát triển xây dựng cơ bản, đến năm 2010 thì chuyển hẳn sang nghề dịch vụ bảo vệ và duy trì tới ngày nay.

Ban đầu thị phần chỉ là tỉnh Lào Cai, đến nay, Công ty Vệ sĩ Ngọc Hòa Lào Cai đã mở rộng hoạt động tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Tuyên Quang. Tại Lào Cai, thị phần dịch vụ bảo vệ của công ty đang chiếm hơn 50% với các hợp đồng bảo vệ ở hầu hết tòa nhà hành chính hợp khối, các cơ quan hành chính có trụ sở độc lập, đơn vị trực thuộc khối Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại, bệnh viện, nhà hàng. Từ vài chục người ban đầu, số lao động của công ty hiện có hơn 300 người và chiếm khoảng 2/3 số đó là cựu chiến binh, công an nghỉ hưu, con em cựu chiến binh, con em gia đình chính sách.

Ông Hoàng cho biết, cựu chiến binh hoặc những người từng thuộc biên chế các lực lượng vũ trang đều có phẩm chất trung thực, ngay thẳng, có tính kỷ luật cao, nghiêm khắc với bản thân, có sức khỏe và kỹ năng xử lý các tình huống rất tốt, biết sử dụng tốt công cụ hỗ trợ nên họ phù hợp với công việc bảo vệ, vệ sỹ. “Khi tuyển nhân sự, tôi luôn dành sự ưu tiên đặc biệt với anh em cựu chiến binh hoặc con em của họ, điều đó xuất phát từ cái tình, cái đạo của người từng khoác áo lính. Cựu chiến binh chúng tôi thương nhau, anh em bảo vệ chẳng may để kẻ gian lấy mất xe máy, dù hợp đồng trách nhiệm đã có nhưng xét thấy điều kiện kinh tế còn hạn chế nên hầu hết các vụ việc, công ty thường bỏ tiền ra bù đắp và coi đó là khoản rủi ro của doanh nghiệp”, ông Hoàng nói.

Tại thành phố Lào Cai, ngoài 2 tấm gương cựu chiến binh tiêu biểu trên còn có những cái tên như ông Nguyễn Văn Quyến (phường Phố Mới) là Giám đốc Hợp tác xã mỹ nghệ Hoa Mai với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho 30 - 40 lao động và dạy nghề mỹ nghệ, sản xuất đồ mộc cao cấp cho hàng trăm lượt nhân công là con em cựu chiến binh trên địa bàn. Cựu chiến binh Đào Tiến Mạnh (phường Bắc Lệnh) là chủ nhà hàng Mạnh Sang và trại nuôi cá hồi vân tại xã Tả Phời với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Cựu chiến binh Bùi Đắc Quang (xã Đồng Tuyển) là chủ trang trại trồng rừng rộng hàng chục ha và mô hình nuôi cá quy mô lớn. Cựu chiến binh Trần Hồng Cương, người gây dựng và duy trì danh tiếng thương hiệu Nhà may Cường Cương trong nhiều năm qua…

Ông Nguyễn Tiến Khôi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Lào Cai cho biết, hội hiện có 3.900 hội viên. Những năm qua, hội viên rất hăng hái hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển kinh tế. Năm 2014, có 58,5% hội viên thuộc diện gia đình khá, giàu, đến nay tăng lên hơn 70%. Trong số hội viên tại thành phố Lào Cai, có 25 người đang làm chủ các doanh nghiệp; 4 người làm giám đốc hợp tác xã; 22 người làm chủ các trang trại, mô hình sản xuất lớn; 519 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

Theo ông Lương Văn Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, hưởng ứng các phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” do Trung ương Hội Cựu chiến binh phát động từ năm 2014 đến nay, các hội viên cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh đã hăng hái, tích cực tham gia, trong đó nổi bật là phong trào thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Nhờ phong trào mà tại các địa phương xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Lào Cai hiện đã thành lập được 6 câu lạc bộ doanh nhân cựu chiến binh cấp huyện, 3 câu lạc bộ doanh nhân cựu chiến binh cấp xã, riêng câu lạc bộ doanh nhân cựu chiến binh cấp tỉnh được thành lập năm 2016 đến nay có 152 thành viên. Hội viên cựu chiến binh đang làm chủ 47 doanh nghiệp, 22 hợp tác xã, 13 tổ hợp sản xuất và 296 trang trại, 1.103 gia trại, thu hút và giải quyết việc làm cho 3.025 lao động, trong đó chủ yếu là cựu chiến binh, con em cựu chiến binh, con em gia đình chính sách. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, các hội viên cựu chiến binh còn tích cực hưởng ứng phong trào “Cựu chiến binh đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp”. Nhờ đó mà số gia đình cựu chiến binh khá, giàu tăng nhanh, trong khi số hộ thuộc diện nghèo giảm từ 9,15% (năm 2014) xuống 6,51% (tháng 9/2019).

Quan trọng hơn thế, phong trào thi đua đã khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, không đầu hàng khó khăn bên cạnh tinh thần đùm bọc, đồng chí, đồng đội, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hội viên thuộc Hội Cựu chiến binh tỉnh Lào Cai.

Cao Cường

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/phat-huy-pham-chat-bo-doi-cu-ho-z37n20191212095056612.htm