Phát huy sức mạnh tập thể giữa muôn trùng khơi

Nghề khai thác hải sản xa bờ của ngư dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm, tai nạn rủi ro. Để khắc phục những khó khăn trên, ngư dân đã thành lập các Tổ đoàn kết trên biển để liên kết làm ăn, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau hỗ trợ lúc hoạn nạn, khó khăn trên biển cả bao la. Cách làm này đang phát huy hiệu quả kinh tế, giảm rủi ro và điều quan trọng hơn là các ngư dân đã tạo nên sức mạnh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

BĐBP Thanh Hóa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Lê Đồng

Đoàn kết tạo nên sức mạnh

Đang chỉnh trang lại chiếc tàu cá có công suất 350CV, anh Nguyễn Văn Tuấn, tổ viên Tổ đoàn kết trên biển số 1, xã Ngư Lộc vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại với phóng viên về vụ tàu hỏng máy cách đây chưa đầy 1 tháng. Hôm đó, tàu của anh có 8 thuyền viên, đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa thì không may bị hỏng máy trôi tự do trên biển. Anh và các thuyền viên đã liên lạc với các tàu bạn để được hỗ trợ.

“Nếu hôm ấy không có tàu của Tổ đoàn kết trên biển cứu nạn kịp thời thì chắc tàu của tôi bị chìm sâu xuống đáy biển và tính mạng của anh em bạn thuyền cũng khó mà giữ được. Nhờ có Tổ đoàn kết trên biển mà tàu của gia đình tôi được ứng cứu kịp thời và lai dắt vào bờ an toàn, giờ chỉ tu sửa xong là có thể vươn khơi tiếp” - Anh Tuấn chia sẻ.

Là một trong những chủ tàu đầu tiên tham gia Tổ đoàn kết trên biển và cũng là người tích cực vận động thêm nhiều chủ tàu khác tham gia, anh Nguyễn Xuân Lộc, Tổ trưởng Tổ đoàn kết trên biển số 1 xã Ngư Lộc cho rằng: “Làm nghề gì cũng phải có tổ chức, có sự đoàn kết, nghề đánh bắt trên biển lại càng phải đoàn kết hơn, vì nghề này hiểm nguy luôn rình rập. Nếu tàu đánh bắt đơn lẻ, khi gặp sự cố thì không biết nhờ ai. Do vậy, việc thành lập các Tổ đoàn kết trên biển để hỗ trợ nhau sản xuất cũng như giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn trên biển là rất cần thiết”.

Cũng theo anh Nguyễn Xuân Lộc: “Bây giờ, chúng tôi đi đâu cũng có nhau, ra khơi cùng ngày, đánh bắt cùng một ngư trường, máy Icom có tần số riêng để liên lạc với nhau thường xuyên. Mới đây, tổ đoàn kết của tôi còn tự gây dựng quỹ, tuy chỉ vài chục triệu đồng nhưng rất thiết thực mỗi khi thành viên trong tổ ốm đau, hoạn nạn cần sự giúp đỡ, nương tựa vào nhau. Cái hay của Tổ đoàn kết trên biển chính là đã tạo ra sức mạnh tập thể, cùng bảo vệ ngư trường, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”.

Khẳng định chủ quyền biển, đảo

Không riêng gì Tổ đoàn kết trên biển số 1 mà nhiều ngư dân tại xã Ngư Lộc cũng phấn khởi cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, ngư dân ở đây luôn “trúng lớn”. Đang kiểm đếm “thành quả” mà 12 thuyền viên trên tàu ra khơi gần 20 ngày, ngư dân Hoàng Công Chất, tổ viên Tổ đoàn kết trên biển số 7, có tàu cá công suất 500CV, vui vẻ nói: “Tham gia Tổ đoàn kết trên biển, các thành viên có điều kiện trao đổi thông tin về ngư trường, kịp thời khai thác các luồng cá tập trung. Nhờ đó, các tàu thuyền đã giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời, hỗ trợ ứng cứu lẫn nhau mỗi khi gặp rủi ro trên biển do sóng to, gió lớn. Đó cũng là động lực, niềm tin để tàu của tôi cùng nhiều tàu khác an tâm đánh bắt, sẵn sàng đáp trả những tàu nước ngoài có ý định tấn công các tàu của Tổ đoàn kết”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đa Lộc tiếp nhận thông tin từ các ngư dân vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày. Ảnh: Lê Đồng

Thượng tá Nguyễn Đăng Luyến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đa Lộc, BĐBP Thanh Hóa cho biết: Hiệu quả mà Tổ đoàn kết trên biển mang lại không chỉ có những chuyến biển cá đầy khoang, mà mô hình này còn giúp ngư dân xích lại gần nhau hơn, hỗ trợ, chia sẻ với nhau những ngư trường mới giàu tiềm năng. Đồng thời trong quá trình đánh bắt trên biển, các Tổ đoàn kết còn thu thập, cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho đơn vị, góp phần đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Thông qua đó, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân nắm vững pháp luật và xác định rõ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Vì vậy, các ngư dân khi tham gia làm ăn trên biển đều tuân thủ pháp luật, các thuyền viên đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.

Thành công từ mô hình “Tổ đoàn kết trên biển” đã góp phần nâng cao sản lượng khai thác hải sản, từ đó, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Thông qua các Tổ đoàn kết trên biển, ngư dân đã huy động sức mạnh đoàn kết trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; mỗi ngư dân thực sự là một “cột mốc” trên biển.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: “Từ khi các Tổ đoàn kết trên biển ở địa phương phát triển mạnh mẽ, ngư dân có thêm điều kiện liên kết làm ăn, nâng cao thu nhập trên từng chuyến biển, góp phần tăng sản lượng khai thác hải sản của địa phương. Vì vậy, hằng năm, xã đều rà soát lại số lao động cũng như các tàu để đưa vào các Tổ đoàn kết trên biển. Từ năm 2015 đến nay, xã Ngư Lộc đã thành lập được 94 Tổ đoàn kết trên biển, mỗi tổ từ 3 đến 5 tàu. Nhờ sự gắn kết thông qua tổ đoàn kết, các ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường, nâng cao hiệu quả sản xuất trên biển”.

Lê Đồng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phat-huy-suc-manh-tap-the-giua-muon-trung-khoi/