Phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc

Nhằm đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (Nghị quyết số 33) đi vào cuộc sống, ngày 29-4-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33 (Nghị quyết số 16). Ðây là sự thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ bằng những nội dung, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện cụ thể để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lộc Tấn, BĐBP Bình Phước tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới. Ảnh: Viết Hà

Cán bộ Đồn Biên phòng Lộc Tấn, BĐBP Bình Phước tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới. Ảnh: Viết Hà

Những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, trong đó khu vực biên giới có những phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân được nâng lên. Bên cạnh thành tựu đạt được, đất nước đang đối mặt với những thách thức, các thế lực thù địch không ngừng đẩy mạnh chống phá về nhiều mặt, trong khi nhiều địa phương ở khu vực biên giới, trình độ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội còn hạn chế; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các vấn đề an ninh phi truyền thống có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, môi trường sinh thái và quốc phòng - an ninh...

Trước tình hình trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33, đây là quyết sách chiến lược, kịp thời, thể hiện quyết tâm ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia (BGQG), không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Ðể Chiến lược bảo vệ BGQG sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16 và được cụ thể hóa bằng 7 nhiệm vụ, giải pháp giao các bộ, ban, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 33; giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG; xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG, củng cố cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, tạo nền tảng xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân, nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân ở khu vực biên giới; hoàn thiện thể chế, pháp luật về bảo vệ biên giới quốc gia; nghiên cứu, hoàn thiện phương thức, phương án tổ chức quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình bảo vệ biên giới; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh; tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG.

Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp thứ hai, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố có biên giới tổ chức đấu tranh phòng, chống hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG; triển khai các chương trình và biện pháp kỹ thuật bảo vệ BGQG; kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch về xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân, nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân vững chắc.

Về nội dung xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG, Chính phủ xác định: Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân, rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang là nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, là một Quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với BĐBP. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan đề xuất xây dựng, triển khai đề án bố trí, sắp xếp dân cư tại các khu kinh tế - quốc phòng, kinh tế cửa khẩu, khu vực biên giới, vùng biển, đảo, nơi đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh...

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ BGQG; nâng cao tiềm lực kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố biên giới vững mạnh, làm nền tảng xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân vững chắc. Quy hoạch, bố trí dân cư trên tuyến biên giới, biển, đảo phù hợp yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý, bảo vệ BGQG. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các cụm dân cư thôn, bản giáp biên giới ổn định, bền vững; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng thế trận lòng dân ở KVBG vững chắc.

Đặc biệt, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ BGQG như: Đường tuần tra biên giới, các tuyến đường trọng điểm kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh. Tiếp tục xây dựng đồn, trạm Biên phòng; xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố vững chắc...

Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, các văn bản quản lý Nhà nước về bảo vệ BGQG, trước mắt là xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam và văn bản hướng dẫn thực hiện. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc thực thi pháp luật về bảo vệ BGQG trong phạm vi cả nước.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng, góp ý, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật về bảo vệ BGQG; trước mắt, tổ chức tổng kết và nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các nội dung không còn phù hợp của Luật BGQG năm 2003 đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ BGQG trong tình hình mới, đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33 về Chiến lược bảo vệ BGQG.

Trần Đức - Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-suc-manh-tong-hop-bao-ve-toan-ven-lanh-tho-cua-to-quoc-post431173.html